Cán bộ không chuyên trách chính là những người mà chỉ tham gia công việc trong một phần thời gian lao động. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã thì chế độ làm việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chế độ làm việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã:
Căn cứ Điểm b, khoản 1, Mục D, Phần III của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn có quy định Cán bộ không chuyên trách là những người mà chỉ tham gia công việc trong một phần thời gian lao động. Theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp xã được hiểu là những người chỉ tham gia công việc trong một phần thời gian lao động. Hiện tại, không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về chế độ làm việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã mà chỉ có các quy định về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, vấn đề này được quy định cụ thể tại chương III Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã, cụ thể như sau:
1.1. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
– Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Loại I là có 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính được số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm như sau:
+ Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì sẽ được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Những đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) với mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
+ Ngoài việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số quy định trên thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% so với mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.
– Quy mô dân số (bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) và diện tích tự nhiên tính cho đến ngày 31 tháng 12 hàng năm để xác định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong trường hợp ở đơn vị hành chính cấp xã tính cho đến ngày 31 tháng 12 hàng năm có thay đổi về quy mô dân số, diện tích tự nhiên hoặc là có thay đổi về loại đơn vị hành chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, điều chỉnh về tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh) bảo đảm được theo đúng quy định của pháp luật.
– Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình lên Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc trong phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm được tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không có vượt quá tổng số lượng người mà hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định trên.
– Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định về số lượng cụ thể người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc trong phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã có thể thấp hơn mức của cấp xã loại III hoặc là có thể cao hơn mức của cấp xã loại I quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của cả đơn vị hành chính của cấp huyện được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã.
1.2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với những yêu cầu nhiệm vụ hiện đang đảm nhiệm; khi những người này mà được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo đúng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
2. Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm có cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người có hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại I sẽ được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại II sẽ được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại III sẽ được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở. Đối với đơn vị hành chính cấp xã mà có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo các quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp sẽ được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
– Căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã nêu ở trên; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương; những quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau:
+ Chức danh của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
+ Việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm người trực tiếp có tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố;
+ Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bảo đảm được tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã mà có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã học tập nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quy định cụ thể về mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã.
– Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã thì sẽ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã.
– Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
THAM KHẢO THÊM: