Nuôi con nuôi là một hiện tượng xã hội xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề này đều được pháp luật ở các nước quy định và điều chỉnh cụ thể, Việt Nam cũng vậy. Vậy người hạn chế năng lực hành vi dân sự có được phép thực hiện thủ tục nhận con nuôi hay không?
Mục lục bài viết
1. Người hạn chế hành vi dân sự được nhận con nuôi không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề hạn chế năng lực hành vi dân sự. Cụ thể như sau:
– Người nghiện ma túy, người nghiện các chất kích thích dẫn đến hiện tượng phá tán tài sản của gia đình, theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan hoặc các cơ quan, tổ chức hữu quan, cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án hoàn toàn có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, quyết định phạm vi đại diện đối với người hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Quá trình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự bắt buộc phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, ngoại trừ những giao dịch nhằm mục đích phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì cá nhân muốn nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
– Cá nhân nhận nuôi con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật về dân sự;
– Cá nhân luận nuôi con nuôi phải có độ tuổi hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
– Cá nhân nhận nuôi con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe cũng như đảm bảo điều kiện về kinh tế, có công ăn việc làm và có chỗ ở đảm bảo cho quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi;
– Cá nhân nhận nuôi con nuôi phải có tư cách đạo đức tốt.
Đối với trường hợp người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài mà muốn nhận nuôi con nuôi là người Việt Nam thì cũng phải đáp ứng được các điều kiện nêu trên, ngoài ra còn phải đáp ứng thêm được các điều kiện nữa theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. Bên cạnh đó, các chủ thể là cá nhân thuộc các trường hợp sau đây sẽ không được quyền nhận nuôi con nuôi, cụ thể như sau:
– Các cá nhân đang bị hạn chế một số quyền của cha mẹ đối với những chủ thể là con chưa thành niên;
– Các cá nhân đang bị chấp hành các quyết định xử lý hành chính tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở khám chữa bệnh;
– Các cá nhân đang chấp hành hình phạt tù theo quyết định hoặc bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các cá nhân chưa được xóa án tích về một trong các tội liên quan đến tính mạng và sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Đồng thời, trong trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi hoặc mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi, hoặc cô/cậu/dì/chú/bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế và chỗ ở đảm bảo cho quá trình chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con nuôi.
Như vậy, tổng hợp các điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về một trong những điều kiện bắt buộc cần phải đáp ứng để có thể nhận nuôi con nuôi của người nhận con nuôi, theo đó người nhận con nuôi phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì vậy, người hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ không đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, người hạn chế năng lực hành vi dân sự căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Bộ luật dân sự năm 2015 sẽ không được nhận nuôi con nuôi.
2. Các yếu tố đảm bảo thực hiện pháp luật về điều kiện của người nhận nuôi con nuôi:
Thứ nhất, yếu tố điều kiện kinh tế xã hội. Điều kiện về kinh tế và xã hội trong một giai đoạn nhất định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy định các điều kiện của người nhận nuôi con nuôi. Tuy nuôi con nuôi là một chế định có lịch sử lâu đời, nhưng bản chất của việc nuôi con nuôi đã có những thay đổi lớn qua từng thời kì. Quy định điều kiện của người nhận nuôi con nuôi xuất phát từ ý chí của Nhà nước trong việc điều chỉnh quan hệ gia đình nói chung và quan hệ nuôi con nuôi nói riêng. Việc nuôi con nuôi có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với các bên chủ thể mà còn làm hình thành một gia đình mới, một cấu trúc cơ bản của xã hội, nên nó ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển của một đất nước, đặt ra các điều kiện với các bên chủ thể trong việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi, nhằm định hướng, tạo ra khung pháp lý cơ bản cho việc nuôi con nuôi, để việc nuôi con nuôi được thực hiện với mục đích nhân đạo, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là của trẻ em và phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thứ hai, đường lối chủ trương của đảng. Song song với đó, đường lối chủ trương của nhà nước có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc nuôi con nuôi, là cơ sở để quy định các điều kiện của người nhận nuôi con nuôi. Chính sách xã hội có thể tác động theo hai hướng, một là thúc đẩy, khuyến khích việc nhận nuôi con nuôi, hai là hạn chế, kìm hãm việc nhân nuôi con nuôi. Các biện pháp, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi con nuôi như biện pháp hỗ trợ kinh tế, phúc lợi xã hội cho người nhận nuôi con nuôi, kế hoạch dân số và kế hoạch hóa gia đình, khuyển khích nhận các trẻ em mồ côi, khuyết tật, mắc các bệnh hiểm nghèo làm con nuôi … Do vậy, tùy theo đường lôi chủ trương của Nhà nước trong từng thời kỳ có tác động tới việc nuôi con nuôi cũng như quy định các điều kiện của người nhận nuôi con nuôi.
Thứ ba, ảnh hưởng của phong tục tập quán và truyền thống văn hóa đạo đức. Phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống cũng ảnh hưởng đến việc quy định các điều kiện của việc nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi chịu ảnh hưởng sâu đậm của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như: Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cưu mang, đùm bọc những trẻ em lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa … Tuy nhiên, với ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những giá trị nhân văn và giá trị tinh thần có phân bị xem nhẹ và coi thường, dẫn đến sự thay đổi trong hành vi xử sự của con người theo xu hướng thực dụng vụ lợi. Việc giữ gìn được những truyền thống văn hóa có giá trị tốt đẹp của dân tộc như tính cộng đông, lòng nhân ái … có ảnh hưởng tích cực đến việc nuôi con nuôi.
3. Quy định về nhận nuôi con nuôi có ý nghĩa như thế nào?
Gia đình là một môi trường tốt để trẻ em có thể hình thành và phát triển trọn vẹn, hoàn thiện bản thân. Trẻ em cần được sống trong gia đình gốc của mình nhưng vì một số lý do mà trẻ em không thể sống chung với gia đình ruột thịt của mình. Vì vậy, các em cân được nuôi dạy trong một gia đình khác để có thể thay thế gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi đã tồn tại từ lâu trong xã hội, mang tính nhân đạo sâu sắc khi đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Nhìn chung, chế định nuôi con nuôi đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Việc nuôi con nuôi đã thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người trong xã hội. Là biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa có một mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, việc nhận nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, nuôi con nuôi là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi giữa các bên, đặc biệt là đối với trẻ em. Để việc áp dụng pháp luật được diễn ra đúng quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, thì cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa các bên trong mối quan hệ 03 chiều, giữa cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
THAM KHẢO THÊM: