Sự kiện bất khả kháng là điều khoản với mục đích loại trừ trách nhiệm của một bên trong trường hợp bên đó vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Dưới đây là quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Mục lục bài viết
1. Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về khái niệm sự kiện bất khả kháng, theo đó sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài ý chí của con người, con người không thể lường trước được vào thời điểm giao kết hợp đồng, và cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép của mình. Các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng suất phát từ tự nhiên gây ra do sạt lở, bão lũ, sóng thần … hoặc các hiện tượng xã hội như chiến tranh, đình công, cấm vận, sự thay đổi trong chính sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền … cũng sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận những sự kiện khác và quy định trong hợp đồng trong quá trình giao kết.
Pháp luật hiện nay cũng đã có quy định cụ thể về sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Theo đó, hợp đồng vận chuyển theo chuyến là loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, hợp đồng này được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để có thể vận chuyển các loại hàng hóa theo chuyến cố định hoặc không cố định. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến theo quy định của pháp luật sẽ phải được giao kết bằng văn bản trên thực tế, phải phù hợp với ý chí và nguyện vọng của các bên. Hiện nay, pháp luật về hàng hải không quy định cụ thể thế nào là trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Tuy nhiên căn cứ vào sự kiện bất khả kháng trong Bộ luật dân sự nói chung, thì đối chiếu với Điều 192 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hàng hải năm 2023 có thể được coi là sự kiện bất khả kháng. Cụ thể như sau:
Các bên tham gia hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng và sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường, nếu như trước đi tàu biển bắt đầu rời khỏi nơi bốc hàng đã xảy ra một trong những sự kiện cơ bản như sau:
– Chiến tranh đe dọa đến sự an toàn của tàu biển, đe dọa đến sự an toàn của hàng hóa, càng nhận hàng hóa hoặc càng trả hàng hóa được công bố đã bị phong tỏa trên thực tế;
– Tàu biển bị bắt giữ, tàu biển bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không xuất phát từ lỗi của các bên tham gia hợp đồng vận chuyển;
– Tàu biển bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng;
– Có lệnh cấm vận vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng nhận hàng hoặc điểm càng trả hàng.
– Bên chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp nêu trên sẽ phải chịu chi phí giữa hàng;
– Các bên có quyền chấm dứt hợp đồng, nếu sự kiện được quy định nêu trên xảy ra trong khi tàu biển đang trong quá trình hành trình của mình, trong trường hợp này thì người thuê vận chuyển sẽ phải có nghĩa vụ trả đầy đủ các khoản chi phí liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển theo quãng đường thực tế và chi phí xếp dỡ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 294 của Văn bản hợp nhất
– Bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp sau đây: + xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm mà các bên thỏa thuận quy định trong hợp đồng;
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên còn lại;
+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà các bên không thể biết trước được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
– Bên vi phạm hợp đồng sẽ phải có trách nhiệm và có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp được miễn trách nhiệm.
Như vậy có thể nói, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Đây được đánh giá là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của bên vi phạm hợp đồng. Các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến có thể kể đến một số trường hợp cơ bản nêu trên.
2. Căn cứ xác định sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến:
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015, để xác định trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến cần phải căn cứ vào các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài ý chí của con người. Một sự kiện xảy ra sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến nếu như sự kiện đó xảy ra không theo ý trí của bất kỳ bên nào trong hợp đồng vận chuyển. Hay nói cách khác, sự kiện đó xảy ra không phải do một bên trong hợp đồng vận chuyển tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của một trong các bên giao kết hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Thứ hai, sự kiện xảy ra không thể lường trước được. Một sự kiện xảy ra được coi là không thể lường trước được có thể được hiểu là, khi sự kiện đó xảy ra tức là nó nằm ngoài ý chí và nằm ngoài dự đoán của con người, nằm ngoài sự lường trước của các bên tham gia hợp đồng vận chuyển. Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà các bên không thể lường trước được tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Thứ ba, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép của mình. Sự kiện không thể khắc phục được mặc dù bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép của mình để khắc phục các tác động của sự kiện đó tuy nhiên không có hiệu quả đến việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến, và không thể trông chờ việc xảy ra một cách trở ngại khách quan để làm căn cứ được hưởng quyền miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận chuyển.
Thứ tư, dẫn đến hậu quả là bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ trong hợp đồng vận chuyển. Việc không thực hiện được đúng nghĩa vụ trong hợp đồng vận chuyển căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu như sự kiện bất khả kháng đó xảy ra trên thực tế chính là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng vận chuyển.
3. Lưu ý khi soạn thảo điều khoản về sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến:
Trên thực tế, nếu dựa vào các yếu tố nêu trên thì việc chứng minh một sự kiện là bất khả kháng để bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Để hạn chế các tranh chấp liên quan đến việc xác định sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng nói chung và hợp đồng vận chuyển theo chiều nói riêng, các bên cần phải thỏa thuận trước các điều khoản này trong hợp đồng với những nội dung cơ bản như sau:
– Thống nhất rõ ràng cả các sự kiện và tình tiết, thống nhất rõ ràng cách hiểu như thế nào là sự kiện bất khả kháng. Các bên có thể căn cứ vào quy định của pháp luật để đưa ra các điều khoản về sự kiện bất khả kháng một cách thống nhất. Ngoài ra các bên lên liệt kê tối đa các trường hợp cụ thể để được xem là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và từng thời điểm thực hiện hợp đồng khác nhau;
– Các bên cần phải có quy định về nghĩa vụ thông báo khi sự kiện bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Tức là khi xảy ra sự kiện bất khả kháng theo sự thỏa thuận của các bên, bên vi phạm nghĩa vụ cần phải thông báo tới bên bị vi phạm biết trong một khoảng thời gian hợp lý. Vấn đề này để đảm bảo sự thiện chí hợp tác của các bên trong hợp đồng vận chuyển;
– Các bên cần phải thỏa thuận về phương án xử lý kèm theo trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển. Điều này sẽ giúp cho các bên giải quyết hậu quả của sự kiện bất khả kháng khi sự kiện đó xảy ra, các bên có thể thỏa thuận về việc chia sẻ thiệt hại hoặc chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Văn bản hợp nhất 04/VBHN-VPQH năm 2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Bộ luật Hàng hải Việt Nam.