Hiệ nay nhiều câu hỏi liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ bị xử phạt không đang được khá quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ phân tích vấn đề phạt vi phạm đối với việc nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ.
Mục lục bài viết
1. Nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ bị xử phạt không?
Câu hỏi: Chị Thảo ở Hồ Chí Minh đặt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có câu hỏi muốn luật sư tư vấn như sau: Tôi có 1 công ty kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu phế liệu. Sắp tới công ty tôi chuẩn bị nhập khẩu một lô phế liệu từ Nhật Bản. Sau khi tìm hiểu kĩ hồ sơ của số hàng trên chúng tôi phát hiện lô phế liệu trên có loại bị nhiễm phóng xạ. Do trước giờ chúng tôi chưa nhập khẩu phế liệu có nhiễm phóng xạ bao giờ nên chúng tôi không nắm rõ được các quy định về nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ, không biết là chúng tôi nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ như vậy có bị xử phạt hay không? Mong luật sư giải đáp cho tôi được rõ thêm.
Chào chị Thảo, cảm ơn chị đã đặt câu hỏi cho chúng tôi. Sau khi tiếp nhận câu hỏi của chị, chúng tôi đã nghiên cứu các quy định mới nhất của pháp luật và đưa ra câu trả lời giải đáp chị như sau:
Chất thải phóng xạ là chất thải chứa chất phóng xạ hoặc vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ phải thải bỏ. Theo Khoản 11 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008 sửa đổi bổ sung 2018. Việc nhập khẩu phóng xạ là hoàn toàn bị cấm, do vậy việc nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 18 Nghị định số 107/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với người nhập khẩu chất thải phóng xạ như sau:
Vi phạm quy định về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ, nhập khẩu thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Nhập khẩu, buôn bán hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ được cho phép nhưng không ghi rõ thông tin này trên nhãn hàng hóa;
+ Nhập khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị bức xạ không đúng các tham số kỹ thuật, không đúng số lượng, đặc tính, xuất xứ ghi trong giấy phép.
– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ không có trong danh mục được phép nhập khẩu hoặc có trong danh mục được phép nhập khẩu nhưng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ quá mức quy định;
+ Sản xuất, buôn bán hàng hóa tiêu dùng có hoạt độ phóng xạ cao hơn mức quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thiết bị hạt nhân không đúng các tham số kỹ thuật, không đúng số lượng, đặc tính, xuất xứ ghi trong giấy phép.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ không thuộc danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu.
– Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu chất thải phóng xạ.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thu hồi hàng hóa để tiêu hủy đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
+ Buộc tái xuất vật liệu phóng xạ, thiết bị bức xạ, hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ, thiết bị hạt nhân, chất thải phóng xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
Theo quy định trên, người nhập khẩu chất thải phóng xạ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng và buộc tái xuất chất thải phóng xạ này.
2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt người nhập khẩu chất thải phóng xạ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định 107/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm c khoản 22 Điều 4 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ như sau:
Thẩm quyền thực hiện xử phạt của thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ:
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ có các quyền sau đây:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 250.000.000 đồng;
+ Tiến hành tước quyền sử dụng về giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, và phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 107/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 4 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức cá nhân như sau:
– Thẩm quyền thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 45a, Điều 45b và Điều 45c Nghị định này đó là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bao gồm:
+ Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
+ Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
+ Thẩm quyền xử phạt của Hải quan
+ Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển Việt Nam
+ Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng
Trong trường hợp phạt tiền, thì thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Theo như quy định nêu trên thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 250.000.000 đồng đối với cá nhân, và cao nhất là 500.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, do người nhập khẩu chất thải phóng xạ có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 300.000.000 đồng và buộc phải tái xuất chất thải phóng xạ này nên Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ không có quyền xử phạt người này.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu chất thải phóng xạ là bao lâu?
Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu chất thải phóng xạ là 02 năm.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Luật Dương Gia các nội dung mà liên quan đến Nhập khẩu phế liệu có chất thải phóng xạ bị xử phạt không. Trường hợp quý bạn cần những hỗ trợ cụ thể hay những giải đáp hợp lý, cụ thể hơn thì quý bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại hotline 1900.6568 thì sẽ được chúng tôi hỗ trợ tư vấn cho quý bạn đọc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật năng lượng nguyên tử 2008 sửa đổi bổ sung 2018;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020;
– Nghị định 126/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ năng lượng nguyên tử.