Bạo lực gia đình vẫn luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, hành vi bao lực đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới phụ nữ và trẻ em đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Vậy theo quy định hiện nay thì chồng không chăm sóc vợ mang thai là bạo lực gia đình? Cùng tìm hiểu nhé.
Mục lục bài viết
1. Chồng không chăm sóc vợ mang thai là bạo lực gia đình?
Căn cư theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, quy định bạo lực gia đình đó là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Hành vi về bạo lực gia đình hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:
– Hành vi bạo lực gia đình trong đó bao gồm:
+ Hành hạ, ngược đãi, đánh đập và đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người khác;
+ Lăng mạ, chì chiết hoặc những hành vi cố ý để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
+ Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây lên áp lực thường xuyên về tâm lý của người khác;
+ Bỏ mặc, không quan tâm, không nuôi dưỡng hoặc không chăm sóc đến thành viên gia đình đặc biệt là trẻ em, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật hoặc người không có khả năng để tự chăm sóc và không giáo dục thành viên gia đình đặc biệt là trẻ em;
+ Kỳ thị hoặc phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính và năng lực của thành viên gia đình;
+ Ngăn cản đối với các thành viên gia đình gặp gỡ những người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc có những hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
+ Ngăn cản việc thực hiện quyền và các nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
+ Tiết lộ hoặc phát tán những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật của cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì đối với trường hợp chồng bỏ mặc không chăm sóc vợ đang mang thai có thể được xem là hành vi bạo lực gia đình.
2. Người có hành vi bạo lực gia đình với vợ đang mang thai bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý như sau:
– Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì sẽ tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị:
+ Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm;
+ Xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm;
+ Bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm;
Ngoài ra, nếu trường hợp gây thiệt hại tới người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nếu trường hợp có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định nêu trên thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
2.1. Chồng bỏ mặc không chăm sóc vợ đang mang thai thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định về biện pháp xử phạt về vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ mặc không chăm sóc vợ đang mang thai được quy định tại như sau:
Đối với một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
– Người nào có hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt thành viên trong gia đình phải nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách hoặc không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
– Bỏ mặc thành viên trong gia đình, không chăm sóc thành viên gia đình đặc biệt là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Ngoài mức phạt tiền thì còn buộc khắc phục hậu quả:
– Buộc người đó phải xin lỗi công khai khi nạn nhân khi có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình,
– Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ;
– Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
– Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này đó là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, dựa theo quy định được nêu trên, thì chồng bỏ mặc không chăm sóc vợ đang mang thai thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, người chồng còn phải buộc phải xin lỗi công khai nếu như vợ có yêu cầu.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi bạo lực gia đình bỏ mặc vợ đang mang thai:
Căn cứ theo quy định quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, cụ thể:
– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào có hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Người nào có hành vi bạo lực mà thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Người có hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
– Người nào có hành vi thực hiện phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Người nào có hành vi bạo lực đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
+ Người nào có hành vi bạo lực đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, trong một số trường hợp hành vi bạo lực gia đình dẫn đến đủ căn cứ cấu thành các tội khác trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác – Điều 134; Tội hành hạ người khác – Điều 140; trường hợp gây chết người còn có thể bị truy cứu về Tội giết người – Điều 123… thì người phạm tội sẽ bị xử lý tùy theo hành vi, mức độ phạm tội và hậu quả mà mình gây ra.
3. Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, người có hành vi bạo hành có những nghĩa vụ phải thực hiện như sau:
– Phải tôn trọng tới sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng và chấm dứt ngay hành vi bạo lực.
– Thực hiện chấp hành các quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
– Phải kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị và chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
– Bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình