Các thủ tục hành chính và pháp lý để thực hiện việc xây dựng công trình trên thực tế khá phức tạp. Vậy thì, trong quá trình chuẩn bị xây dựng căn nhà thì gia chủ cần phải thực hiện những thủ tục pháp lý và chuẩn bị giấy tờ cần thiết nào?
Mục lục bài viết
1. Các thủ tục pháp lý, giấy tờ cần chuẩn bị trước khi xây nhà:
Theo xu thế chung thì có thể nói, sở hữu một ngôi nhà đẹp là mong ước của rất nhiều chủ thể. Nhưng việc xây dựng một ngôi nhà đẹp không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Vì thế để bắt đầu công đã xây dựng một ngôi nhà thì gia chủ cần phải nắm bắt được tất cả các vấn đề pháp lý và giấy tờ cần phải chuẩn bị sao cho cần thiết và đảm bảo. Phải đắp ứng yêu cầu về giấy tờ pháp lý rõ ràng thì quá trình thi công mới không xảy ra trường hợp tạm ngưng hoặc bị phạt hoặc thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Các thủ tục pháp lý và giấy tờ cần phải chuẩn bị trước khi xây nhà khá phức tạp, nắm rõ được điều này sẽ giúp công trình thi công được thuận lợi hơn trong thực tế, và đây cũng được đánh giá là điều vô cùng quan trọng, tránh những rắc rối về sau. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong nội dung dưới đây.
1.1. Các thủ tục pháp lý cần chuẩn bị trước khi xây nhà:
Thủ tục pháp lý quan trọng cần phải chuẩn bị trước khi xây nhà đó là thực hiện hoạt động xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cần phải xác định điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở trước khi xây dựng công trình như sau:
– Xây dựng nhà ở phải phù hợp với mục đích sử dụng đất, không trái quy định của pháp luật về các nguyên tắc sử dụng đất, xây dựng nhà ở phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Phải đảm bảo an toàn trong suốt quá trình xây dựng và đối với những bất động sản xung quanh, phải đắp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và điều kiện về phòng cháy chữa cháy;
– Phải đảm bảo an toàn về cơ sở kĩ thuật hạ tầng, giữ khoảng cách phù hợp với các công trình khác để tránh trường hợp gây ra sự cố cháy nổ hoặc độc hại;
– Phải xây dựng công trình cách xa những địa điểm có liên quan đến quốc phòng và an ninh.
Theo đó thì trình tự và thủ tục để nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau đây:
Bước 1: Các chủ thể có nhu cầu xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ bản thì sẽ bao gồm giấy tờ tùy thân của người có nhu cầu, bản vẽ phác họa công trình, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết đảm bảo an toán đối với công trình liền kề …
Bước 2: Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì sẽ luôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở và muốn xin phép xây dựng. Có thể nộp hồ sơ thông qua nhiều hình thức khác nhau, nộp trực tiếp thông qua bộ phận một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ yêu cầu người nộp hồ sơ bổ sung thêm giấy tờ sao cho phù hợp và cần thiết. Trường hợp xét thấy hồ sơ đã đầy đủ thì sẽ cấp văn bản thông báo cho người sử dụng và tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Người sử dụng đất tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và văn bản trả lời trong trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Nhìn chung thì thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà ở phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng trong khoảng thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị, 10 ngày đối với nhà ở tại nông thôn. Trong trường hợp đến hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm một số điều kiện khác có liên quan thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà ở phải thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư trong đó nêu rõ lý do và đồng thời thông báo đến cơ quan cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp để xem xét và thực hiện theo chỉ đạo, tuy nhiên không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn căn cứ theo quy định tại Điều 102 của Luật xây dựng năm 2020.
1.2. Các giấy tờ cần chuẩn bị trước khi xây nhà:
Nhìn chung thì căn cứ theo quy định tại Điều 95 của Luật xây dựng năm 2020 có ghi nhận thêm một số giấy tờ cần phải đảm bảo để giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuẩn bị hoạt động xây dựng nhà cửa, cụ thể bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Đơn đề nghị cấp phép xây dựng được viết theo mẫu do pháp luật quy định;
– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai;
– Bản vẽ xin phép xây dựng để gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết đảm bảo an toán đối với công trình liền kề;
– Riêng đối với bản vẽ xin phép xây dựng, thì gồm có:
+ Bản vẽ về mặt bằng công trình trên lô đất với tỷ lệ 1/50 đến tỷ lệ 1/500, kèm theo đó là sơ đồ vị trí công trình;
+ Bản vẽ của mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình theo tỷ lệ 1/50 đến tỷ lệ 1/200;
+ Bản vẽ mặt bằng móng với tỷ lệ 1/50 đến tỷ lệ 1/200 và mặt cắt móng theo tỷ lệ 1/50, được đi kèm sơ đồ đấu nối các hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 đến tỷ lệ 1/200.
2. Mức xử phạt hành vi tự ý xây nhà khi chưa thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi tự ý xây dựng nhà khi chưa thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng khi chưa thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng;
– Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa hoặc công trình xây dựng khi chưa thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng;
– Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Lưu ý rằng, các mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức. Cụ thể:
– Xây dựng nhà ở riêng lẻ trái phép, cá nhân bị phạt 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng;
– Xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa hoặc công trình xây dựng khác, cá nhân bị phạt 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng;
– Xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, cá nhân bị phạt 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
3. Một số lưu ý trước khi xây nhà:
Cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây trước khi xây nhà để đảm bảo tiến độ thi công cũng như hiệu quả của công trình, cụ thể như sau:
– Phải tính toán chi phí hợp lý trước khi thực hiện thi công xây dựng. Tức là trước tiền các chủ thể cần phải ước lượng cho mình một chi phí nhất định sau đó cố gắng đưa ra một phương án đầu tư phù hợp dựa trên tình hình tài chính của mình, bạn có thể lựa chọn cho mình một thiết kế vật liệu phù hợp với khả năng tài chính mà vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và tránh trường hợp lãng phí;
– Xem phong thủy của nhà và xem ngày bắt đầu thi công. Yếu tố phong thủy là một trong những yếu tố được nhiều người quan tâm. Công bằng mà nói thì phong thủy có ảnh hưởng rất lớn đến thiết kế của căn nhà, bạn có thể xem trước yêu tố phong thủy trước khi có ý định xây dựng một căn nhà nào đó để chọn mẫu mã và màu sắc vật liệu hoặc tông màu nội thất sao cho phù hợp với gia chủ. Mặt khác thì việc sử dụng yếu tố phong thủy cũng không nên cực đoan và quá khắt khe mà chỉ nên tính đến các biến số thực tế trong quá trình xây dựng để tránh ảnh hưởng đến kĩ thuật và kết cấu. Người xưa thường nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy đôi khi chúng ta cũng cần phải xem xét đến yếu tố này nhằm đưa đến sự yên tâm cho các chủ thể;
– Tìm kiếm đơn vị xây dựng uy tín và chất lượng, đây là một trong những yếu tố cần phải được đặt lên hàng đầu, việc lựa chọn một nhà thầu xây dựng chất lượng có thể giúp cho căn nhà được hoàn thành nhanh chóng và dễ dàng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.