Di sản thừa kế là tài sản mà người chết để lại cho những người có quyền hưởng di sản còn sống. Vậy những trường hợp nào được hưởng di sản thừa kế từ người chết để lại. Con dâu có được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng không?
Mục lục bài viết
1. Một số quy định pháp luật về thừa kế:
Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản của người đã chết sang cho người còn sống và tài sản để lại được gọi là di sản thừa kế.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc thừa kế hiện nay được thực hiện theo 02 hình thức. Cụ thể:
– Thừa kế theo di chúc theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là việc dịch chuyển tài sản của người chết để lại cho người sống thông qua sự định đoạt, phân chia di sản của người đó khi họ còn sống;
– Thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là việc phân chia di sản thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện hưởng thừa kế và trình tự thừa kế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người chết có để lại di chúc phân chia di sản thừa kế nhưng việc phân chia di sản đó vẫn được tiến hành theo quy định pháp luật, thực hiện theo Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu trên. Cụ thể, tại Điều 650 Bộ luật Dân sự này đã nêu cụ thể những trường hợp đã có di chúc để lại nhưng vẫn phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật:
– Di chúc được lập không hợp pháp;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật hoặc từ chối nhận di sản;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2. Con dâu có thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của bố mẹ chồng không?
Thừa kế là vấn đề được đặt ra khi người để lại di sản thừa kế mất. Theo đó, nếu người có di sản để lại chết đi và không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì những ai sẽ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật? Con dâu có thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của bố mẹ chồng hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người được hưởng thừa kế theo pháp luật, được quy định theo thứ tự sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi của người đã chết;
– Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh- chị- em ruột của người đã chết và cháu ruột của người chết mà người chết là ông- bà nội, ông bà ngoại của người hưởng di sản thừa kế;
– Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người đã chết; cô, dì, chú, bác, cậu ruột của người đã chết; cháu ruột của người đã chết mà người chết đó là cô, dì, chú, bác, cậu ruột; chắt ruột của người đã chết mà người chết đó là cụ nội, cụ ngoại của người hưởng di sản thừa kế.
Như vậy, nếu bố mẹ chồng chết đi và không để lại di chúc thì con dâu sẽ không được hưởng di sản thừa kế mà bố mẹ chồng để lại.
3. Con dâu được hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng khi nào?
Theo phân tích tại mục 1 của bài viết này thì con dâu không thuộc diện được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ chồng để khi phân chia di sản theo pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng. Vậy, pháp luật hiện hành quy định những trường hợp nào thì con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng?
Hiện nay, có 02 trường hợp con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng để lại. Cụ thể như sau:
3.1. Trường hợp 1: Bố mẹ chồng chết có di chúc để lại di sản cho con dâu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Đất đai năm 2015 thì di chúc được quy định là sự thể hiện ý chí của cá nhân có tài sản nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, thừa kế theo di chúc được hiểu là sự phân chia di sản của người chết để lại theo ý chí, nguyện vọng và sự định đoạt của người lập di chúc. Pháp luật hiện hành luôn tôn trọng ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc. Theo đó, người lập di chúc có thể để loại di sản của mình cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mình muốn mà không cần bắt buộc phải là những người được quy định tại các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, có nhiều gia đình, con dâu luôn tận tuỵ chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng, gần gũi với bố mẹ chồng nên được gia đình chồng, đặc biệt là được bố mẹ chồng thương yêu như con đẻ nên trước khi chết lập di chúc phân chia di sản cho con dâu. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về việc bảo vệ quyền lợi của người lập di chúc trong việc chỉ định thừa kế di sản của mình để lại. Do đó, khi bố mẹ chồng có ý nguyện để lại di sản thừa kế cho con dâu thông qua di chúc thì con dâu được quyền hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng để lại.
3.2. Trường hợp 2: Con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng khi hưởng di sản thừa kế từ chồng để lại:
Trường hợp này được hiểu là con dâu được hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng một cách gián tiếp thông qua việc hưởng di sản từ chồng để lại.
Khi bố mẹ chồng không lập di chúc phân chia di sản thừa kế thì di sản để lại sẽ được phân chia theo hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Theo đó, con trai (chồng của người con dâu) sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên được hưởng phần di sản mà bố mẹ để lại. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ chồng mất đi mà để lại di chúc và chỉ định con trai của mình được hưởng di sản thì theo sự định đoạt đó, người con trai sẽ được hưởng di sản bố mẹ để lại.
Như vậy, trong trường hợp này, người chồng (người con trai) sẽ được hưởng di sản thừa kế mà bố mẹ để lại. Nếu sau khi hưởng di sản thừa kế mà người chồng chết không để lại di chúc thì con dâu sẽ được hưởng di sản thừa kế từ chồng để lại do là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật. Do đó, lúc này con dâu sẽ được hưởng di sản thừa kế mà bố mẹ chồng để lại thông qua việc hưởng di sản thừa kế của chồng.
4. Bố mẹ chồng lập di chúc phân chia di sản thừa kế cho con dâu thì những người khác có được đòi lại không?
Nếu bố mẹ chồng để lại di chúc và trong di chúc chỉ định con dâu là người được hưởng di sản thừa kế thì con dâu sẽ được hưởng di sản mà bố mẹ chồng để lại. Trong trường hợp đó, những người anh, chị em nhà chồng có được đòi lại phần di sản mà con dâu được hưởng hay không?
Như vậy, khi người để lại di sản đã thể hiện ý nguyện của mình thông qua di chúc và di chúc đó là di chúc hợp pháp thì việc phân chia di sản sẽ phải thực hiện theo di chúc. Do đó, nếu bố mẹ chồng để lại di sản thừa kế cho con dâu thông qua di chúc thì con dâu được hưởng di sản đó một cách hợp pháp và không ai được quyền đòi lại phần di sản mà người con dâu được hưởng.
Tuy nhiên, khi bố mẹ chồng để lại di chúc định đoạt di sản để lại cho con dâu nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người sau đây vẫn được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
– Con chưa thành niên của người để lại di chúc.
– Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người để lại di chúc.
– Con dù đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Như vậy, về bản chất khi chết mà bố mẹ chồng có để lại di chúc định đoạt di sản thừa kế cho con dâu có quyền hưởng thì việc phân chia di sản sẽ thực hiện theo di chúc để lại mà không ai có quyền cản trở quyền nhận di sản của người con dâu. Nếu có những trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như đã phân tích trên thì khi khai nhận di sản thừa kế vẫn phải lưu ý đến những đối tượng trên.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.