Kiểm tra thực tế hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các tài liệu, chứng từ có liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Vậy quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa trong lĩnh vực hải quan như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa:
Nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm các vấn đề về: kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa. Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan.
1.1. Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế khi kiểm tra thực tế:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định khi kiểm tra hàng, mã số hàng hóa, mức thuế như sau:
– Kiểm tra tính chính xác và kiểm tra nội dung khai về tên hàng, mã số hàng hóa trên tờ khai hải quan với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Công chức hải quan phải xác định tên hàng hóa, mã số hàng hóa theo các tiêu chí trong danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi kiểm tra thực tế hàng hóa.
1.2. Kiểm tra trị giá hải quan:
Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định:
Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra trị giá hải quan để xác định các trường hợp có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo và các trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ trên tờ khai hải quan do người khai hải quan khai (sau đây gọi là trị giá khai báo)
– Các trường hợp có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:
+ Người khai hải quan không kê khai hoặc thực hiện kê khai không đúng, không đủ các chỉ tiêu liên quan đến trị giá hải quan trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu, tờ khai hàng hóa xuất khẩu hoặc tờ khai trị giá (nếu có).
+ Các nội dung về điều kiện giao hàng, trị giá trên hóa đơn thương mại không phù hợp với các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương hoặc các nội dung tương ứng (nếu có) trên vận tải đơn theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp trị giá khai báo thấp hơn thông tin rủi ro về trị giá tại cơ sở dữ liệu giá theo quy định của Tổng cục Hải quan là trường hợp mà hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ.
1.3. Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Căn cứ Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định:
– Đối với hàng hóa xuất khẩu
Dựa trên nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và thực tế hàng hoá để xác định được xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai yêu cầu người khai hải quan cung cấp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng xuất khẩu khi có dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc trên cơ sở thông tin cảnh báo về chuyển tải bất hợp pháp. Trường hợp người khai hải quan không xuất trình được chứng từ để chứng minh xuất xứ hàng xuất khẩu thì tiến hành xác minh tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu được thông quan theo quy định trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu
+ Tại thời điểm nộp bộ hồ sơ hải quan hoặc trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Đối với trường hợp chưa nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm khai hải quan thì người khai hải quan khai theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (sau đây gọi tắt là thuế suất MFN). Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ này thì người khai hải quan bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền chênh lệch đã nộp.
+ Cơ quan hải quan căn cứ vào chứng từ chứng nhận xuất xứ, thực tế hàng hóa, hồ sơ hải quan, những thông tin có liên quan đến hàng hóa và quy định tại Điều 15
+ Trong trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ, bao gồm: Lỗi chính tả hoặc đánh máy; Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên C/O và chữ ký mẫu; Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “√”, nhầm lẫn trong việc đánh dấu; Khác biệt về đơn vị đo lường trên C/O và các chứng từ khác (hóa đơn, vận tải đơn,…); Sự khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho cơ quan hải quan với mẫu C/O theo quy định; Sự khác biệt về màu mực (đen hoặc xanh) của các nội dung khai báo trên C/O; Sự khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ và chứng từ khác; Sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa.
+ Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ cấp cho cả lô hàng đối với phần hàng hoá thực nhập trong trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận đó nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng.
+ Lượng hàng hóa vượt quá không được hưởng ưu đãi theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong trường hợp số lượng hoặc trọng lượng thực tế hàng nhập khẩu vượt quá số lượng hoặc trọng lượng hàng ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ.
+ Người khai hải quan không được tự ý sửa chữa các nội dung trên C/O, trừ trường hợp việc sửa chữa nội dung đó do chính cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp thực hiện theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp chữ ký, dấu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với mẫu chữ ký, mẫu dấu lưu tại cơ quan hải quan hoặc nội dung thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với bộ hồ sơ hải quan và các quy định về kiểm tra xuất xứ hàng nhập khẩu, trừ các trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan giải trình, cung cấp thêm tài liệu để chứng minh xuất xứ hàng hoá phù hợp thì chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ. và nếu tài liệu phù hợp thì được chấp nhận.
Trường hợp chưa có đủ cơ sở để từ chối khi có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ thì cơ quan hải quan tiến hành xác minh và căn cứ vào kết quả xác minh để quyết định việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, trong quá trình kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
2. Thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa:
2.1. Thẩm quyền quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 29
– Chấp nhận thông tin đã khai Tờ khai hải quan để quyết định việc thông quan hàng hóa.
– Kiểm tra các chứng từ liên quan trong hồ sơ hải quan để quyết định việc thông quan hàng hóa hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa để quyết định thông quan từ các chứng từ do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Quy định cụ thể thời điểm thông báo việc kiểm tra hải quan trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan do Bộ Tài chính.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23
Chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan khi hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, văn hóa, y tế, thực vật, kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày đối với trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp
2.2. Thẩm quyền quyết định mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa:
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa hoặc thủ trưởng cơ quan Hải quan quản lý địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung phát hiện có dấu hiệu vi phạm luật hải quan thì quyết định thay đổi mức độ, hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện cho đến khi đủ cơ sở xác định tính phù hợp và hợp pháp của toàn bộ lô hàng với hồ sơ hải quan.
Theo quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và căn cứ thông tin liên quan đến hàng hóa tại thời điểm kiểm tra; Công chức hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra đối với phần hàng hóa được kiểm tra.
3. Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện qua các hình thức sau:
– Công chức hải quan kiểm tra trực tiếp;
– Kiểm tra bằng các phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác;
– Kiểm tra thực tế hàng hóa thông qua kết quả phân tích, giám định hàng hóa.
Nếu cần thiết phải thay đổi hình thức kiểm tra hàng hóa trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định. Kết quả kiểm tra thực tế bằng thiết bị soi chiếu, máy soi kết hợp với cân điện tử và các thiết bị kỹ thuật khác là cơ sở để cơ quan hải quan ra quyết định việc thông quan hàng hóa.
4. Các trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật hải quan năm 2014 quy định các trường hợp dưới đây được miễn kiểm tra thực tế:
– Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;
– Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;
– Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trừ các trường hợp mà phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải được kiểm tra thực tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hải quan 2014;
– Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;