Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây ra mất trật tự là một trong những hành vi vi phạm pháp luật quá đỗi phổ biến trong đời sống. Vậy xử phạt khi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt khi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự:
Gây rối trật tự công cộng được hiểu là một hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở một nơi công cộng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, đến an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng; và có thể gây thiệt hại đến các lợi ích của nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Gây rối trật tự cộng biểu hiện qua các hành vi cụ thể như:
– Có lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác;
– Hành vi phá phách hoặc làm ô uế những công trình, thiết bị nơi công cộng;
– Hò hét, tạo ra tiếng động gây âm ĩ, đua xe máy trái phép;
– Tụ tập đánh nhau…
Những hành vi gây rối trật tự công cộng được thực hiện ở các địa điểm như rạp chiếu phim, rạp hát, sân vận động, công viên, đường phố;… Ở đó, những hoạt động chung được diễn ra thường xuyên hoặc là không thường xuyên.
Như vậy, có thể hiểu gây mất trật tự công cộng chính là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, đến an toàn xã hội, xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người mà có hành vi gây mất trật tự công cộng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng, theo điều này thì:
– Người nào mà thực hiện hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở những nơi công cộng gây ra mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
– Người nào mà có hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, hay lôi kéo, dụ dỗ, kích động những người khác cố ý gây thương tích hoặc gây đến tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc là xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
– Người nào mà có hành vi mang theo trong người hoặc là tàng trữ, cất giấu những loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc những loại công cụ, phương tiện khác mà có khả năng sát thương; các đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích để gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho những người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Người nào mà có hành vi tổ chức thuê, xúi giục, hay lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Người nào mà có hành vi tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc những địa điểm, khu vực cấm thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Người nào mà có hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo những loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các công cụ, đồ vật, phương tiện khác mà có khả năng sát thương thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015.
Các yếu tố để cấu thành tội phạm gây rối trật tự công cộng bao gồm 4 yếu tố cơ bản đó là:
– Mặt khách quan: Mặt khách quan của loại tội phạm này có những dấu hiệu sau:
+ Về hành vi: Có hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây chính là hành vi của những người mà có thái độ coi thường về trật tự ở những nơi đông người như là ở chợ, ở trường học, nhà thờ, công viên, ở nhà ga, bến xe, bến tàu…cụ thể như: người này có lời nói thô tục xúc phạm đến những người xung quanh tại những nơi công cộng; có các hành vi thô bạo xúc phạm đến những người xung quanh tại nơi công cộng; Có hành vi là dùng vũ lực nhằm để quậy phá, làm hư hỏng các tài sản của nhà nước, của công dân ở những nơi công cộng (ví dụ như đập phá tượng đài, làm hư những biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô…);
+ Hành vi nêu trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc người có hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc là đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà lại còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Hậu quả đã xảy ra mà thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, của tổ chức kinh tế, tô chức xã hội, của đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản mà tài sản bị thiệt hại có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; gây hậu quả chết người…
Ngoài những hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được nêu ở trên, từ thực tiễn đã cho thấy có thể còn có các hậu quả phi vật chất như hành vi trên còn có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ra ảnh hưởng xấu đến an ninh, đến ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…Trong các trường hợp này sẽ phải tùy theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm này gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.
– Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự, đến an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm cả đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
– Mặt chủ quan: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý;
– Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ một người nào mà có năng lực trách nhiệm hình sự;
Mức hình phạt của loại tội phạm này được chia làm hai khung, cụ thể như sau:
– Khung 1 (thuộc khoản 1): người có hành vi phạm tội bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Khung hai (thuộc khoản 2): người có hành vi phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi:
+ Có tổ chức;
+ Dùng các vũ khí, hung khí hoặc có các hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây ra đình trệ hoạt động công cộng;
+ Xúi giục những người khác gây rối;
+ Hành hung những người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự:
Tại Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định này thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội là 01 năm. Hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự là một trong các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn xã hội thế nên chiếu theo quy định của pháp luật thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính lỗi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự được quy định như sau:
– Đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
– Đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm mà người có thẩm quyền thi hành công vụ phát ra hiện hành vi vi phạm.
3. Quy trình xử phạt hành chính với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự:
Bước 1: lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền lập biên bản xử phạt hành chính bao gồm:
– Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện);
– Công an nhân dân;
– Bộ đội biên phòng;
– Cảnh sát biển;
– Hải quan;
– Kiểm Lâm;
– Kiểm ngư;
– Quản lý thị trường;
– Thanh tra
– Người có thẩm quyền, người được giao để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người thuộc về lực lượng Công an nhân dân mà đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
– Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý.
Bước 2: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện ra quyết định xử phạt hành chính lỗi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự trong thời hạn pháp luật quy định
Bước 3: Thực hiện nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Người bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nộp tiền phạt…)
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Bộ Luật Hình sự 2015.