Động vật rừng hiện nay đang dần bị tuyệt chủng do sự săn bắn trái phép của con người, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Có những loài đã tuyệt chủng hoàn toàn hoặc có một số loài chỉ còn số lượng ít. Vậy để bảo tồn những loài động vật rừng quý hiếm thì cần có những biện pháp cứu hộ động vật rừng cũng như xử lý động vật rừng ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là động vật rừng?
- 2 2. Quy định về cứu hộ động vật rừng như thế nào?
- 3 3. Quy định về xử lý động vật rừng:
- 3.1 3.1. Thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên:
- 3.2 3.2. Cứu hộ động vật rừng (theo quy định tại mục 2).
- 3.3 3.3. Chuyển giao động vật rừng cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành:
- 3.4 3.4. Bán động vật rừng:
- 3.5 3.5. Tiêu hủy động vật rừng:
1. Thế nào là động vật rừng?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT, động vật rừng bao gồm các ca thể động vật rừng còn sống hoặc đã chết, các bộ phận cơ thể hoặc các sản phẩm của động vật rừng nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hay trong các phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và động vật rừng thuộc loài thông thường.
Trong đó, các bộ phận cơ thể của động vật rừng được hiểu là một phần cơ thể của động vật rừng nếu như có sự tách rời thì cá thể động vật sẽ bị thương hoặc bị chết.
Còn sản phẩm của động vật rừng là các loại sản phẩm có nguồn gốc được làm từ động vật rừng, có thể kể đến như thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, dịch mật, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng…; hay các thành phẩm đã qua chế biến có các thành phần từ các bộ phận của động vật rừng như cao nấu từ xương động vật, túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật rừng…
2. Quy định về cứu hộ động vật rừng như thế nào?
2.1. Đối tượng và điều kiện cứu hộ động vật rừng:
Đối tượng để cứu hộ động vật rừng bao gồm: các cá thể động vật rừng bị thường, ốm yếu.
Để được cứu hộ thì cần có những điều kiện sau đây:
– Việc động vật rừng bị thương, ốm yếu cần cứu hộ phải có sự xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc của cơ sở cứu hộ động vật do Nhà nước quản lý bằng biên bản xác nhận tình trạng sức khỏe của động vật rừng (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
– Cơ sở vật chất của cơ sở cứu hộ động vật: đảm bảo đủ điều kiện trong công tác cứu hộ, phù hợp với loài động vật rừng cần cứu hộ.
2.2. Quy trình thực hiện cứu hộ động vật rừng:
– Ban hành quyết định cứu hộ động vật rừng: do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý động vật rừng ban hành.
– Nếu như phải chuyển giao động vật rừng đến cơ sở cứu hộ để tổ chức cứu hộ thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cứu hộ động vật rừng lập biên bản giao nhận động vật rừng để cứu hộ (mẫu số 01 hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
2.3. Quy định về xử lý động vật rừng sau cứu hộ mới nhất:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT, sau khi động vật rừng được cứu hộ thì xử lý như sau:
– Trường hợp 1: động vật rừng sau khi được cứu hộ đủ điều kiện thả lại về môi trường tự nhiên thì cơ sở cứu hộ động vật rừng tổ chức thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên.
– Trường hợp 2: động vật rừng sau khi được cứu hộ đủ không điều kiện thả lại về môi trường tự nhiên thì khi đó cơ sở cứu hộ động vật rừng xử lý bằng một trong các hình thức sau đây:
+ Thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên.
+ Cứu hộ động vật rừng.
+ Chuyển giao động vật rừng cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành.
+ Bán động vật rừng.
+ Tiêu hủy động vật rừng.
3. Quy định về xử lý động vật rừng:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT, có các hình thức xử lý động vật rừng, bao gồm:
3.1. Thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên:
– Đối tượng áp dụng hình thức này là những động vật còn sống và khỏe mạnh.
– Điều kiện cần đáp ứng như sau:
+ Xác định được rõ ràng nơi cư trú tự nhiên của loài động vật đó
+ Động vật rừng khỏe mạnh phải được xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc của cơ sở cứu hộ động vật do Nhà nước quản lý bằng biên bản xác nhận tình trạng sức khỏe của động vật rừng (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
+ Phải có biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn sau khi thả đối với động vật rừng có nguy cơ gây nguy hiểm cho người.
+ Đối với trường hợp cơ quan, đơn vị thả không phải là chủ rừng nơi dự kiến thả thì phải có cam kết đồng ý của chủ rừng nơi dự kiến thả (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
– Quy trình thực hiện thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên:
+ Ban hành quyết định thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên do Thủ trưởng cơ quan đơn vị có thẩm quyền xác nhận.
+ Thành phần tham gia trong quy trình thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên gồm có: Cơ quan, đơn vị chủ trì thả động vật rừng, cơ quan Kiểm lâm sở tại, chủ rừng. Ngoài ra, cơ quan , đơn vị chủ trì có thể mời người chứng kiến, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp động vật rừng là vật chứng, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông, các bên có liên quan tham gia.
+ Tiến hành lập biên bản thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên do cơ quan, đơn vị chủ trì (theo mẫu số 04 hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
3.2. Cứu hộ động vật rừng (theo quy định tại mục 2).
3.3. Chuyển giao động vật rừng cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành:
– Đối tượng được áp dụng: những động vật nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, nhóm IIB và không thuộc trường hợp phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
– Các điều kiện cần đáp ứng như sau:
+ Về cơ sở tiếp nhận động vật rừng đảm bảo có chức năng, nhiệm vụ sau: Nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tồn, trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra đảm bảo điều kiện trong việc nuôi dưỡng, bảo quản động vật rừng.
+ Có xác nhận về việc việc động vật rừng không thuộc trường hợp phải tiêu hủy do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc của cơ sở cứu hộ động vật do Nhà nước quản lý bằng biên bản xác minh tình trạng sức khỏe của động vật rừng (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
– Quy trình thực hiện:
+ Ban hành quyết định chuyển giao động vật rừng cho cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý động vật rừng xác nhận.
+ Tiến hành lập biên bản giao nhận động vật rừng chuyển giao (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
3.4. Bán động vật rừng:
– Đối tượng áp dụng: nếu động vật rừng là tang vật hay vật chứng nằm trong diện được phép sử dụng vào mục đích thương mại.
– Điều kiện áp dụng:
Xác nhận động vật rừng không thuộc trường hợp phải tiêu hủy do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc của cơ sở cứu hộ động vật do Nhà nước quản lý xác nhận bằng biên bản xác nhận tình trạng sức khỏe của động vật rừng (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
Sau đó ban hành quyết định bán động vật rừng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
3.5. Tiêu hủy động vật rừng:
– Đối tượng áp dụng: những động vật rừng có dịch bệnh hoặc không thể xử lý theo các biện pháp trên thì tiến hành tiêu hủy.
– Các hình thức tiêu hủy:
+ Biện pháp cơ học, thiêu đốt, chôn, sử dụng hóa chất.
+ Các hình thức khác nếu phù hợp.
– Quy trình áp dụng:
+ Ban hành quyết định tiêu hủy động vật rừng.
+ Thành phần cần có trong quy trình tiêu hủy động vật rừng gồm: Cơ quan, đơn vị chủ trì tiêu hủy động vật rừng, cơ quan Kiểm lâm sở tại. Đồng thời, nếu cần thiết thì cơ quan, đơn vị chủ trì có thể mời người chứng kiến, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp động vật rừng là vật chứng, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông, các bên có liên quan tham gia.
+ Lập biên bản tiêu hủy động vật rừng (mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT).
Lưu ý: Các hình thức xử lý động vật rừng được ưu tiên áp dụng theo trình tự các bước lần lượt theo như trên. Trường hợp nào không xử lý được bằng hình thức trước thì mới áp dụng hình thức xử lý kế tiếp theo sau.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước