Hiệu trưởng có được phục hồi chức danh sau thời gian biệt phái? Luật sư tư vấn quy định về biệt phái và chế độ của công chức sau thời gian biệt phái.
Hiệu trưởng có được phục hồi chức danh sau thời gian biệt phái? Luật sư tư vấn quy định về biệt phái và chế độ của công chức sau thời gian biệt phái.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở, và là Công chức nhà nước. Năm 2010, tôi được biệt phái lên Phòng Giáo dục và đào tạo quân làm chuyên viên (tức là viên chức), trong thời gian biệt phái không bị cách chức hay bị kỷ luật gì. Nay, tôi trở lại trường cũ (nay trường đã có hiệu trưởng mới), vậy tôi có được phục hồi chức danh hiệu trưởng và công chức nữa không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Luật cán bộ công chức năm 2008
2. Nội dung tư vấn:
Trước hết, biệt phái công chức theo quy định tại Khoản 12 Điều 7 Luật cán bộ công chức năm 2008 được hiểu là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Quy định về việc biệt phái công chức thì theo quy định tại Điều 53 Luật Cán bộ công chức năm 2008, Điều 37, 38, 39 Nghị định 24/2010/NĐ- CP, trong đó có nêu rõ:
– Cơ quan tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
– Thời hạn biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực quy định.
– Công chức biệt phái phải chấp hành phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái. Tuy nhiên, công chức biệt phái vẫn thuộc biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị của biệt phái,
– Công chức biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị cử công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái, có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác cho công chức cử đi biệt phái.
– Không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 46 Nghị định 24/2010/NĐ – CP
"Điều 46. Trình tự, thủ tục đánh giá công chức trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời hạn luân chuyển, biệt phái
Việc đánh giá công chức trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức thực hiện theo trình tự, thủ tục của công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức".
Qua phân tích nêu trên, thì căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật cán bộ công chức năm 2008, Khoản 3 Điều 37 Nghị định 24/2010/NĐ- CP, việc bố trí công việc, chức danh cho người công chức được cử đi biệt phái sau khi kết thúc thời gian biệt phái sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức đó thực hiện, trên cơ sở đánh giá công chức và các vị trí công việc phù hợp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về chế độ đối với công chức được cử đi biệt phái: 1900.6568
Do vậy, để xác định việc bạn có được phục hồi chức danh hiệu trưởng khi trở lại trường Trung học cơ sở cũ sau thời gian biệt phái còn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức dựa trên nhu cầu, tình hình của đơn vị sự nghiệp.
Còn về việc bạn có được xác định là công chức nữa không thì trước khi biệt phái, bạn đã là công chức, và theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ công chức năm 2008 thì:
"2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật."
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ công chức năm 2008 nêu trên thì sau khi hết thời hạn biệt phái, bạn quay trở lại đơn vị sự nghiệp công lập cũ thì nếu bạn được bổ nhiệm và ngạch, chức vụ, chức danh ở cơ quan này; và thuộc đối tượng trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thì bạn vẫn được xác định là công chức. Việc sau đó bạn còn là công chức hay không còn phụ thuộc vào vị trí, chức vụ, chức danh mà bạn đảm nhiệm sau khi hết thời hạn biệt phái.