Bồi thường chi phí đi lại trình báo việc mất tài sản. Lấy tiền bồi thường từ người khác có bị xem là cưỡng đoạt tài sản của họ không?
Bồi thường chi phí đi lại trình báo việc mất tài sản. Lấy tiền bồi thường từ người khác có bị xem là cưỡng đoạt tài sản của họ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư cho cháu xin hỏi một câu.nhà cháu bị mất một con trâu do bà hàng xóm lấy trị giá con trâu trên 20 triệu đồng và gia đình cháu cho cơ quan công an giải quyết theo pháp luật nhưng gia đình bên lấy trâu của nhà cháu đã đến thỏa thuận và bồi thường 5 triệu để trả tiền công đi lại cho anh em vậy cho cháu hỏi liệu 5 triệu đấy có quá nhiều không và cháu có bi phạm tội chiếm đoạt tài sản cua họ không cháu cảm ơn luật sư?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Căn cứ Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định như sau:
"Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng."
Như vậy, trong trường hợp người hàng xóm nhà bạn có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị hai mươi triệu đồng thì có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 nêu trên. Theo đó, Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định người nào có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
– Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Như vậy, trong trường hợp người hàng xóm nhà bạn có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho bạn thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nêu trên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:
"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định."
Trong trường hợp người hàng xóm có hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại về tài sản cho bạn thì phải bồi thường, mức bồi thường được xác định trên căn cứ giá trị tài sản bị mất, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại… Do đó, theo nội dung bạn cung cấp, giá trị con trâu mà gia đình bạn bị mất là hơn hai mươi triệu đồng thì mức bồi thường 5 triệu đồng của nhà hàng xóm cho gia đình bạn không được xác định là mức bồi thường quá cao và cũng không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong trường hợp người hàng xóm tự nguyện bồi thường.