Sổ đỏ sai diện tích so với thực tế sử dụng thì làm thế nào? Xử lý hành vi lấn chiếm đất.
Sổ đỏ sai diện tích so với thực tế sử dụng thì làm thế nào? Xử lý hành vi lấn chiếm đất.
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà Chồng tôi có đất tại Thành phố Vĩnh Long, diện tích đất trên giấy tờ và diện tích đất hiện nay không trùng khớp (do một số người dân xung quanh chiếm dụng). Vì Ba Mẹ chồng tôi đang còn khỏe, nên cũng muốn làm lại giấy tờ để sau này chia cho con cháu. Đất đai chưa làm lại giấy tờ đã lâu lại bị lấn chiếm nên sợ vài năm nữa sẽ mất thêm. Vậy tôi phải đến đâu để liên hệ đo đạc và làm lại giấy tờ? Tốn kém khoảng bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 106 Luật đất đai 2013 quy định Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
"1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
… "
Theo như bạn trình bày, nhà chồng bạn có đất tại Thành phố Vĩnh Long, diện tích đất trên giấy tờ và diện tích đất hiện đang sử dụng không trùng khớp (do một số người dân xung quanh chiếm dụng). Nếu có sai sót về diện tích thửa đất thì nhà chồng bạn có thể thực hiện thủ tục đính chính thông tin thửa đất.
Khi đó, nhà chồng bạn thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 86 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
+ Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
– Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đối với hành vi gia đình bạn bị lấn chiếm đất, đây là hành vi cấm theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai 2013:
"Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
… "
Đối với hành vi này, người có hành vi lấn chiếm đất của gia đình bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như sau:
"Điều 10. Lấn, chiếm đất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này."
Để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bạn, gia đình bạn có thể làm đơn kiến nghị gửi tới Ủy ban nhân dân xã nơi đang có đất để yêu cầu xử lý hành vi lấn chiếm đất.