Xác định tài sản chung của vợ chồng, di chúc hợp pháp. Di chúc hợp pháp, điều kiện để lập di chúc hợp pháp.
Xác định tài sản chung của vợ chồng, di chúc hợp pháp. Di chúc hợp pháp, điều kiện để lập di chúc hợp pháp.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào bác luật sư, cháu có 2 câu hỏi mong bác giúp đỡ:
1) Vợ chồng đang ly thân nhưng đột nhiên người chồng mất thì khi chia tài sản có thể coi vợ chồng vẫn có tài sản chung không?
2) Ông A bị ốm nghĩ mình không qua khỏi nên đã lập di chúc, nhưng sau đó ông hồi phục và sống thêm 4 năm nữa, sau đó ông bị mất trí nhớ và 2 năm sau ông mất không để lại di chúc. Vậy khi chia tài sản phải chia theo pháp luật hay di chúc trước đó ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Nội dung tư vấn
Thứ nhất, về vấn đề tài sản chung của vợ chồng như sau:
– Pháp luật hiện hành về hôn nhân và gia đình không có quy định về khái niệm "ly thân". Do đó, trong trường hợp kết hôn hợp pháp và chưa ly hôn thì vẫn được coi là vợ chồng hợp pháp và tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân (nếu không có thảo thuận khác) thì vẫn được coi là tài sản chung.
– Căn cứ Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
"Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường."
– Căn cứ Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."
Như vậy, trong trường hợp tài sản của vợ chồng là tài sản chung theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng nêu trên thì sau ki ly thân nhưng vẫn chưa ly hôn thì vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Thứ hai, về vấn đề thừa kế:
– Căn cứ Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:
"Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."
Như vậy, di chúc đã lập đảm bảo đủ các điều kiện của di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp nêu trên thì có hiệu lực pháp luật.
– Căn cứ Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của di chúc như sau:
"Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực."
>>> Luật sư tư vấn tài sản chung vợ chồng qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế như sau:
"Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này."
Như vậy, di chúc hợp pháp có hiệu lực pháp luật vào thời điểm mở thừa kế. Mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế nêu trên, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Do đó, di chúc có thể được lập trước khi người có tài sản chết, tuy nhiên hiệu lực pháp luật của di chúc là thời điểm mở thừa kế. Do đó, trong trường hợp di chúc đã lập là di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật thì vẫn có hiệu lực vào thời điểm người có tài sản chết mặc dù thời gian lập di chúc cách thời gian chết 4 năm như trường hợp câu hỏi của bạn. Di chúc chỉ không có hiệu lực khi không hợp pháp hoặc có văn bản huỷ hiệu lực của di chúc do người để lại tài sản lập trước khi chết.