Các trường hợp được phép thu hồi đất và trình tự thu hồi đất. Quy trình thu hồi đất.
I. Các trường hợp được phép thu hồi đất:
Căn cứ vào Luật đất đai năm 2013, thì các trường hợp thu hồi đất được chia thành các nhóm sau:
“- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.”
II. Trình tự thực hiện thu hồi đất:
1.
Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Thông báo thu hồi đất phải được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Sau khi thông báo thu hồi đất theo đúng thủ tục nói trên, nếu người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý thì UBND cấp có thẩm quyền có thể ra Quyết định thu hồi đất và thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà không cần chờ hết thời hạn thông báo.
2. Thu hồi đất
UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Các thủ tục sau trong quá trình thu hồi:
– Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất
– Lập phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư
– Niêm yết công khai phương án lấy ý kiến của nhân dân
– Hoàn chỉnh Phương án
– Phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện
– Tổ chức chi trả bồi thường
– Bàn giao mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất
Về những vấn đề này, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng quy định khá rõ.