Làm giả giấy tờ xe để đi cầm cố xử lý như thế nào? Trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả giấy tờ cầm cố tài sản.
Làm giả giấy tờ xe để đi cầm cố xử lý như thế nào? Trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả giấy tờ cầm cố tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu có một câu hỏi rất mong được quý công ty hỗ trợ giúp đỡ. Cháu xin trình bày như sau: Cháu có người nhà hiện đang bị bắt tạm giữ ở công an huyện vì bị bắt quả tang đi cùng một người đang cầm cố xe ô tô (thuê), làm giả giấy tờ xe để cầm cố. Trước đó người nhà cháu cũng bị người này rủ rê, cầu giúp đúng tên cầm xe hộ (cũng làm giấy tờ giả) giờ bị Công an bắt cả 2. Mong luật sư tư vấn giúp cháu xem có cách nào để làm giảm nhẹ tội cho người nhà cháu và kháng án được không ạ. Kính mong nhận được sự phản hồi và tư vấn của đoàn luật sư ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
''1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân;
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.''
Căn cứ vào quy định này thì người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.
Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao).
Lỗi cố ý với mục đích: chiếm đoạt tài sản; thực hiện được thủ đoạn gian dối (mong muốn người khác tin mình).
Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 quy định đồng phạm như sau:
– Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
– Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm:
+ Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm;
+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm;
+ Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm;
+ Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
– Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự 1999 về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:
+ Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
+ Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Tại Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
+ Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
+ Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
+ Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
+ Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
+ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
+ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
+ Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
+ Phạm tội do lạc hậu;
+ Người phạm tội là phụ nữ có thai;
+ Người phạm tội là người già;
+ Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
+ Người phạm tội tự thú;
+ Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
+ Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
+ Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
+ Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, dựa trên thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi không thể xác minh chính xác được người nhà của bạn có được giảm nhẹ trách nhiệm hay không. Bạn dựa trên những nội dung tư vấn trên để xác định được khung hình phạt đối với người nhà của bạn.