Có được chiếm dụng khoảng không gian phía trên đường công cộng không? Có được sửa chữa phần gác hai trên khoảng không gian lối đi chung không?
Có được chiếm dụng khoảng không gian phía trên đường công cộng không? Có được sửa chữa phần gác hai trên khoảng không gian lối đi chung không?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi ở Quận 10, trước nhà tôi có con hẻm nhỏ và gia đình tôi xây thêm 2 cái gác (làm bằng gỗ và tôn) ở trong hẻm nhỏ đó và đã ở hơn 10 năm. Vậy gia đình tôi có quyền sở hữu và quyền sử dụng cái gác đó không? Nếu như gia đình tôi mà sửa chữa nhà, vẫn giữ nguyên diện tích cái gác đang ở, nhưng hay gỗ bằng gạch men, thì gia đình tôi được sửa chữa không và có vi phạm về luật nào không. Nếu có xin luật sư nêu rõ và giúp gia đình tôi có phương án giải quyết. Rất mong sự phản hồi của luật sư, tôi xin cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo bạn trình bày, bạn xây dựng gác 2 trên khoảng không gian con hẻm cách đây hơn 10 năm nên việc xây dựng này phải tuân theo quy định của Luật xây dựng 2003. Tại khoản 6 Điều 10 Luật xây dựng 2003 quy định như sau:
Trong hoạt động xây dựng nghiêm cấm các hành vi sau đây:
6. Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố;
Như vậy việc gia đình bạn xây dựng gác 2 lấn ra khoảng không gian phía trên con hẻm là trái với quy định pháp luật. Hành vi của gia đình chị xảy ra đã 10 năm tức đã hết thời hiệu xử phạt theo Khoản 2; điểm a, điểm b Khoản 3 Điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP:
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý phát triển nhà và công sở là 02 năm.
3. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau
a) Khi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện có vi phạm hành chính mà vi phạm hành chính này đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng;
b) Khi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện có vi phạm hành chính mà vi phạm hành chính này đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Tuy nhiên theo Khoản 2, Khoản 3 Thông tư 02/2014/TT-BXD:
2. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP thì xử lý như sau:
a) Người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và chuyển ngay đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm. Trong thời hạn 05 ngày (đối với công trình không phải lập phương án phá dỡ), 12 ngày (đối với công trình phải lập phương án phá dỡ) kể từ ngày lập biên bản mà chủ đầu tư không hoàn thành việc phá dỡ công trình vi phạm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải bị xử lý vì không ban hành quyết định kịp thời theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ thì Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải bị xử lý vì không ban hành quyết định kịp thời theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Như vậy, gia đình chị không có quyền sở hữu cũng như sửa chữa hai căn gác mà phải tiến hành tháo dỡ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như đã phân tích ở trên, việc gia đình bạn xây dựng gác 2 như vậy là vi phạm pháp luật về xây dựng nên không thể xin phép sửa chữa mặc dù vẫn giữ nguyên diện tích của căn gác. Tuy nhiên gia đình bạn có thể xin phép sửa chữa các phần khác của căn nhà. Thủ tục xin giấy phép sửa chữa nhà được quy định tại Điều 96 Luật xây dựng 2014 như sau:
Điều 96. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
2. Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
3. Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.
4. Đối với công trình di tích lịch sử – văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.