Bồi hoàn chi phí đào tạo đối với thạc sĩ được cử đi học tại nước ngoài nhưng không về nước. Bồi thường chi phí đào tạo.
Bồi hoàn chi phí đào tạo đối với thạc sĩ được cử đi học tại nước ngoài nhưng không về nước. Bồi thường chi phí đào tạo.
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2014, tôi được cơ quan cử đi nước ngoài đi học thạc sĩ bằng nguồn ngân sách của nhà nước và có làm cam kết quay về nước làm việc tại cơ quan cũ sau khi kết thúc chương trình học. Đến nay đã sắp đến thời điểm kết thúc chương trình học, tuy nhiên, tôi muốn ở lại định cư tại đây và không muốn về nước. Vậy xin hỏi luật sư, tôi sẽ phải hồi hoàn chi phí đào tạo như thế nào đối với phía cơ quan và nhà nước? Tôi xin cảm ơn!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 143/2013/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Do bạn thuộc đối tượng là người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước, do đó, việc bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP.
Bạn thuộc đối tượng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2013/NĐ-CP :
" Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam)"
Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 143/2013/NĐ-CP có quy định:" Người học quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 của Nghị định này và gia đình người học ở Việt Nam (gồm: bố, mẹ đẻ hoặc chồng, vợ hoặc người đại diện hợp pháp khác của người học) có cam kết việc bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước theo các quy định tại Nghị định này. Trong trường hợp người học không trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp để chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo."
Như vậy, trường hợp bạn không quay về Việt Nam, không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp, thì gia đình của bạn sẽ có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 143/2013/NĐ-CP Chi phí bồi hoàn là 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Học phí, học bổng, sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác đã được ngân sách nhà nước cấp cho người học theo chế độ quy định.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà bạn không chấp hành sự điều động làm việc, thủ trưởng cơ quan nhà nước cử đi học và cấp chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước sẽ thành lập Hội đồng xét chi phí bồi hoàn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.
Sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chậm nhất trong thời hạn 60, bạn hoặc gia đình bạn ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.
Trường hợp bạn hoặc gia đình bạn ở Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp bạn hoặc gia đình bạn ở Việt Nam chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn theo thời hạn thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì bạn hoặc gia đình bạn ở Việt Nam phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.