Biện pháp ngăn chặn hành vi đặt điều nói xấu người khác. Quy định về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức, trách nhiệm khi vi phạm.
Biện pháp ngăn chặn hành vi đặt điều nói xấu người khác. Quy định về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức, trách nhiệm khi vi phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi văn phòng luật sư ! Thưa luật sư cho tôi hỏi. Tôi là nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi. Có 1 bạn tiêp của 1 công ty khác vào đại lý của tôi. Nói xấu tôi và đặt điều vu khống tôi. Nói tôi là đi thị trường bán chôn nuôi miệng, không có chồng. Trong khi vợ chồng tôi vẫn sống hạnh phúc và có 2 con. Bạn tiếp thị này nói xấu làm ảnh hưởng danh dự của tôi với đại lý, ảnh hưởng tới sản lượng bán hàng của tôi. Luật sư cho tôi hỏi tôi phải làm như nào để ngăn chặn hành vi của bạn tiếp thị đó. Cảm ơn luật sư?
I. Cơ sở pháp lý:
– Luật dân sự 2005;
– Bộ luật hình sự 1999;
– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003;
II. Luật sư tư vấn:
Theo như thông tin chị cung cấp ở trên thì nhân viên tiếp thị đã có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của chị. Hành vi này có thể phải chịu một trong các trách nhiệm sau:
1. Trách nhiệm dân sự
Người có hành vi xâm phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định tại Điều 604 Bộ Luật dân sự 2005:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.".
Theo đó, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của chị thì có thể phải bồi thường thiệt hại cho chị theo quy định tại Điều 611 Bộ Luật dân sự 2005. Những khoản bồi thường thiệt hại đó bao gồm:
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".
Theo quy định này, chị có quyền gửi đơn khởi kiện tới tòa án và yêu cầu được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chị phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà chị phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
2. Trách nhiệm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
"Điều 5: Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
(…)."
Căn cứ vào quy định này, khi nhân viên tiếp thị có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị mà chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
3. Trách nhiệm hình sự
Hành vi của nhân viên tiếp thị đó còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.) hoặc tội vu khống theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự 1999 (Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.) nếu hành vi đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị.
Theo đó, chị hoàn toàn có quyền tố giác hành vi của nhân viên tiếp thị đó ra cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đang cư trú). Chị có thể thu thập lại những chứng cứ để làm căn cứ nộp đơn tố cáo người đó đã có hành vi làm nhục hoặc vu khống chị tới cơ quan điều tra để cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra. Nếu cơ quan điều tra xác định đủ dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống thì sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với người đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, chị có quyền gửi đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền:
"1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại Khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121,122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất".
Các cơ quan sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra và xác minh nguồn tin mà chị cung cấp và quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003:
"1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền".
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng thực tế và tổn hại về mặt sức khỏe,tinh thần mà người xâm phạm tới nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hình sự, dân sự hay hành chính.