Một số vấn đề về doanh nghiệp bảo hiểm. Quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Một số vấn đề về doanh nghiệp bảo hiểm. Quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật kinh doanh bảo hiểm 2000;
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp đặc thù, được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm (và một số quy định của pháp luật khác có liên quan). Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: Công ty cổ phần bảo hiểm và Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm (căn cứ vào khoản 7 Điều 1 Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010)
Một số vấn đề pháp lý cơ bản về doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
Thứ nhất, các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 60 của Luật kinh doanh bảo hiểm, các nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm
– Kinh doanh bảo hiểm (bán bảo hiểm): bán bảo hiểm trực tiếp hoặc bán bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, thông qua đấu thầu. (Lưu ý: Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ)
– Kinh doanh tái bảo hiểm: nhượng tái bảo hiểm hoặc nhận tái bảo hiểm
– Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;
– Giám định tổn thất;
– Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;
– Quản lý quỹ và đầu tư vốn;
– Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, vấn đề cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm chính là giấy phép kinh doanh)
-Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động: Bộ tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm
– Hồ sơ cấp phép, thời hạn cấp phép. Hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Điều 64 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.
– Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, hậu quả pháp lý của việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật kinh doanh bảo hiểm, các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị thu hồi giấy phép bao gồm:
+ Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin cố ý làm sai sự thật;
+ Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động mà không bắt đầu hoạt động;
+ Giải thể theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;
+ Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động;
+ Không bảo đảm các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết với bên mua bảo hiểm.
Trong trường hợp thu hồi giấy phép vì chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Các trường hợp thu hồi giấy phép còn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải đình chỉ ngay việc giao kết hợp đồng bảo hiểm mới, nhưng vẫn có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm và phải thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Thứ ba, những thay đổi trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp bảo hiểm có những thay đổi sau phải được sự chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm:
– Tên doanh nghiệp;
– Vốn điều lệ;
– Mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
– Địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;
– Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
– Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên;
– Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), chuyên gia tính toán;
– Chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài.