Trách nhiệm pháp lý của người lập di chúc giả. Hành vi làm giả di chúc có thể bị truất quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư tôi có một thắc mắc: Khi ba tôi mất thì anh tôi có đưa ra một tờ di chúc tay được cho là không hợp pháp. Nhưng thời gian gần đây chúng tôi nghi ngờ có một bản di chúc hợp pháp và có công chứng rõ ràng. Trong trường hợp có bản di chúc ấy. Anh tôi là người được chỉ định lưu giữ, quản lý và công bố di chúc nhưng sau khi Ba tôi mất đi thì anh tôi tự ý không công bố hoặc tiêu huỷ bản di chúc. Làm trái với di nguyện của Ba tôi nhằm chuộc lợi cá nhân và dành phần hơn mức được hưởng trong di chúc.Vậy xin hỏi luật sư anh trai tôi phải chịu trách nhiệm pháp luật như thế nào? Có bị phạt tù hay không? Chúng tôi có được bồi thường hay không vì hơn một năm nay chúng tôi vẫn chưa tiến hành phân chia tài sản.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo câu hỏi của bạn thì nếu thực sự di chúc mà anh trai bạn đưa ra là một di chúc không hợp pháp thì di chúc này sẽ không có hiệu lực. Nếu chứng minh được di chúc mà anh bạn đưa ra là do anh bạn làm giả để hưởng tài sản trái vơi ý muốn của cha bạn thì anh bạn sẽ bị truất quyền thừa kế của cha bạn. Điểm d khoản 1 Điều 643 “Bộ luật dân sự 2015” quy định như sau:
“Điều 643. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”
>>> Luật sư
Trong trường hợp di chúc mà anh bạn đưa ra là di chúc giả, không những làm giả chữ ký của cha bạn mà còn làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan công chứng hay của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì anh trai bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 “Bộ luật hình sự năm 2015” sửa đổi bổ sung 2009 như sau:
“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
A) Có tổ chức;
B) Phạm tội nhiều lần;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Vấn đề bồi thường được đặt ra khi mà anh trai bạn đã có hành vi tẩu tán phần di sản thừa kế của bố bạn để lại. Lúc này bạn có quyền khởi kiện ra tòa và đòi lại phần tài sản thuộc về mình. Ngoài ra bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế để đảm bảo quyền lợi của mình.