Pháp luật kinh doanh bảo hiểm quy định người được quyền thụ hưởng tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp thuê, mượn xe gây tai nạn như thế nào?
Trong bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được xác định theo từng vụ tai nạn.
Theo Điều 52 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.
Khi giải quyết bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần xem xét có phải chính chiếc xe đã mua bảo hiểm gây ra tai nạn hay không? Tai nạn xảy ra có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không? Còn ai là người gây ra tai nạn, chủ sở hữu xe hay người khác, không phải là căn cứ để giải quyết bồi thường. Vấn đề đặt ra là khi trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh, trong trường hợp chủ sở hữu xe cho người khác thuê, mượn xe thì chủ xe hay người được thuê, mượn sẽ là người được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm?
Căn cứ vào Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP Về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo quy định này, chủ sở hữu xe sẽ là người được nhận tiền bảo hiểm, tuy nhiên điều kiện là chủ sở hữu xe phải là người có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Như vậy, nếu người khác mượn xe gây tai nạn, người này chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu xe sẽ không được nhận tiền bảo hiểm.
Xem xét lại nội dung tại Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, “trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm”. Theo điều này, người được bảo hiểm không nhất thiết phải là chủ xe cơ giới, nhưng để người được bảo hiểm được nhận tiền bảo hiểm thì người này phải là người có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại, tương tự như trường hợp chủ sở hữu xe theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP ở trên. Như vậy, trong trường hợp người khác mượn, thuê xe gây tai nạn phải bồi thường thì người này cũng không được nhận tiền bảo hiểm vì không phải là người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trên thực tế, khi gặp phải trường hợp người thuê, mượn xe gây tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đồng ý trả tiền bảo hiểm cho người gây ra tai nạn với điều kiện bên mua bảo hiểm là chủ sở hữu xe phải chuyển nhượng quyền thụ hưởng bảo hiểm cho người gây tai nạn này. Nếu bên mua không đồng ý chuyển nhượng quyền thụ hưởng bảo hiểm cho người thuê, mượn xe gây tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm phải trả tiền bảo hiểm cho bất cứ bên nào.
Riêng đối với trường hợp chủ sở hữu xe biết rõ người thuê, mượn xe không đủ điều kiện để điều khiển xe mà vẫn cho thuê, mượn, khi người này gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại thì theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, chủ sở hữu xe phải chịu trách nhiệm liên đới. Khi đó, nếu người thứ ba có yêu cầu bồi thường thì trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh đối với phần trách nhiệm của chủ sở hữu xe (nếu chủ sở hữu xe là người thụ hưởng), không phát sinh đối với phần trách nhiệm bồi thường của người thuê, mượn xe gây tai nạn.
Tóm lại, vấn đề ai là người được hưởng bảo hiểm trong trường hợp người thuê, mượn xe cơ giới gây thiệt hại hiện nay chưa được quy định một cách rõ ràng. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tự ý đưa ra các điều khoản hợp đồng bảo hiểm không trái với quy định của pháp luật nhưng không đảm bảo được quyền lợi của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm dẫn đến nhiều tranh chấp. Trước thực trạng này, đòi hỏi cần phải có quy định rõ ràng hơn về người thụ hưởng bảo hiểm trong trường hợp người thuê, mượn xe cơ giới gây thiệt hại khi chủ sở hữu xe đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới.