Giải quyết tranh chấp khi bên mua tin tưởng giao tiền cho bên bán, nhưng bên bán lại có ý định chiếm đoạt tiền của bên mua.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Gia đình tôi có mua 1 miếng đất của chú ruột tôi, tính đến nay đã là 4 năm kể từ ngày bố mẹ tôi giao tiền. Khi bố tôi giao tiền đất cho chú có người làm chứng. Cho tới bây giờ sau nhiều lần bố tôi thúc giục, chú vẫn không làm sổ đỏ cho nhà tôi. Vì là anh em ruột nên bố mẹ tôi tin tưởng nhưng bây giờ nhận thấy rõ ý định chú không làm sổ đỏ cho mà muốn ăn trắng số tiền bố mẹ tích cóp cả đời. Cho tôi hỏi nếu gia đình tôi muốn nhờ đến pháp luật thì phải làm sao? Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Việc làm của chú Bạn là hành vi sai trái, cố ý chiếm đoạt tài sản của người khác. Bạn và gia đình trước hết nên nói chuyện với chú mình về hành vi sai trái này. Về mặt pháp luật, giao dịch giữa gia đình Bạn và chú Bạn là giao dịch dân sự liên quan đến đất đai, được thiết lập bằng hình thức lời nói và có người làm chứng. Gia đình bạn nên tự hòa giải trước với nhau, nếu chú Bạn vẫn tiếp tục ngoan cố, không chịu hòa giải thì Bạn và gia đình Bạn phải nhờ đến sự can thiệp của Cơ quan nhà nước, cụ thể như sau:
Gia đình bạn gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để hòa giải về tranh chấp miếng đất trên theo Điều 202 Luật Đất đai 2013. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu hòa giải không thành, gia đình bạn chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 cụ thể trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
– Hoặc khởi kiện thẳng lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.