Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất này có hợp pháp không và ngân hàng có quyền tịch thu nhà tôi không?
Tóm tắt câu hỏi:
Trong hộ khẩu gia đình tôi có ông nội tôi, mẹ kế của tôi và ba anh em tôi. Ngôi nhà chúng tôi đang sinh sống đứng tên ông nội tôi và ông đã nói với mọi người sẽ để lại căn nhà cho ba anh em chúng tôi. Tuy nhiên, mẹ kế của tôi lại âm thầm lấy sổ đỏ nhà đi vay vốn và trong các giấy tờ có dấu lăn tay của ông nội tôi, có công chứng rõ ràng. Mẹ kế của tôi không có khả năng trả nợ nên ngôi nhà của ông nội tôi đã bị ngân hàng đưa ra để bán đấu giá. Ông nội tôi đã mất được một tháng nay. Tôi có nghe mọi người nói nếu người chủ sở hữu ngôi nhà đã trên 70 tuổi thì không được kí giấy tờ thế chấp có đúng hay không? Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất này có hợp pháp không và ngân hàng có quyền tịch thu nhà tôi không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày việc mẹ kế của bạn mang sổ đỏ có dấu lăn tay của ông bạn mang đi thế chấp ngân hàng. Về độ tuổi để vay thế chấp ngân hàng thì theo Bộ luật dân sự 2005 thì:
Điều 20. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, mặc dù luật pháp chỉ quy định về độ tuổi tối thiều nhưng trong các quy định về hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp của các ngân hàng có quy định về độ tuổi tối đa. Phụ thuộc vào ngân hàng mà mẹ kế bạn vay thì sẽ có mức tuổi quy định khác nhau, có thể là 55 tuổi, 60 hoặc 70 tuổi. Việc này nhằm đảm bảo cho việc khả năng chi trả, vì độ tuổi đó gần như sức lao động không còn.
Nhưng bạn đã trình bày thì ngân hàng vẫn cho vay nghĩa là ngân hàng chấp nhận giao dịch dân sự đó. Khi không có khả năng chi trả thì ngân hàng hoàn toàn có thể phong tỏa tài sản để xử lý nợ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mặt khác, nếu trong trường hợp gia đình bạn có căn cứ chứng minh đây là giao dịch dân sự vô hiệu vì có hành vi lừa dối, lợi dụng tình trạng kém minh mẫn của ông bạn thì có thể làm đơn lên tòa án để tuyên giao dịch vô hiệu. Tại Bộ luật dấn sự 2005 thì:
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.