Các yếu tố văn hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động thực hiện pháp luật như thế nào? Phân tích sự ảnh hưởng của yếu tố văn hoá, lối sống đến thực hiện pháp luật?
Văn hóa có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật. Văn hóa chính là cuộc sống, do đó, việc xây dựng pháp luật, theo lẽ tự nhiên, phải dựa trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là pháp luật phải có khả năng biến thành văn hóa để điều chỉnh cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều nơi trên thế giới, hệ thống pháp luật tỏ ra không tương thích với cuộc sống. Phải khẳng định ngay rằng, một nền văn hóa phi tự nhiên chắc chắn sẽ dẫn đến một một hệ thống pháp luật phi tự nhiên. Vậy văn hóa ảnh hưởng như thế nào đến pháp luật?
Trước khi đi vào lý giải vấn đề, chúng tôi xin bắt đầu từ một nền văn hóa được hình thành và phát triển tự nhiên như chính cuộc sống của con người. Nền văn hóa đó, trước hết, là sản phẩm của tự do.
Yếu tố văn hóa lối sống bao giờ cũng thuộc về một môi trường văn hóa xã hội nhất định và gắn liền với một phạm vi không gian xã hội nhất định, nơi các cá nhân và cộng đồng người tổ chức các hoạt động sống, lao động, sinh hoạt, cùng nhau tạo dựng, thừa nhận và chia sẻ các giá trị văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… Với những mặt khác, những khía cạnh của mình, các yếu tố văn hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động thực hiện pháp luật, thể hiện ở những đặc điểm sau:
Mục lục bài viết
1. Các phong tục tập quán trong cộng đồng xã hội ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện pháp luật
Bên cạnh những ưu điểm rất căn bản, phong tục tập quán ở nông thôn cũng đang bộc lộ những nhược điểm nhất định như việc tổ chức hội hè, đình đám, ma chay, giỗ chạp nhiều lúc, nhiều nơi còn cồng kềnh, tốn kém và lãng phí, những hủ tục lạc hậu, lỗi thời còn tồn tại; trình độ dân trí còn thấp, thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội phát sinh tính tích cực chính trị xã hội của mỗi người dân còn hạn chế… Những hiện tượng trên đây gấy khó khăn cho việc thực hiện pháp luật một cách đúng đắn, đồng thời dễ dẫn tới các hành vi phạm tội, coi thường kỷ cương phép nước, cần phải có biện pháp nghiêm minh, thích đáng.
→ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua điện thoại: 1900.6568 – Một cuộc gọi, giải quyết mọi vấn đề pháp luật.
2. Lối sống đô thị và lối sống nông thôn ảnh hưởng tới hoạt động thực hiện pháp luật
Lối sống là một phạm trù xã hội, khái quát toàn bộ hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định, và biểu hiện trên các mặt của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa
Đặc trưng nổi bật của lối sống đô thị là tính tích cực chính trị xã hội ở đô thị tương đối cao. Cư dân đô thị có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thông tin chính trị xã hội và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội lớn mà phần nhiều được tổ chức tại các đô thị. Các phong trào có sức huy động quần chúng ở các đô thị thường diễn ra nhanh hơn so với vùng nông thôn. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật và các hình thức thực hiện pháp luật.
Tuy nhiên, về phương diện xã hội, đô thị là nơi tập trung các phần tử xấu trong xã hội nhiều nhất tại các vùng, đó là những người lang thang, kẻ bụi đời, thậm chí là những người đang phạm tội trốn tránh pháp luật; chính vì thế, đây cũng là môi trường phát sinh nhiều loại tệ nạn xã hôi và tệ nạn nhiều khi ở mức báo động, gây khó khăn trong công tác quản lý xã hội và hoạt động thực thi, bảo vệ pháp luật.
Luật sư
Lối sống nông thôn là lối sống mang tính cộng đồng rất cao và rất chặt chẽ, liên kết các thành viên trong làng xã lại với nhau, mỗi người đều hướng tới những người khác. Tính cộng đồng, trước hết, được coi là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động thực hiện pháp luật. Bằng ý thức công đồng, nó giúp cho các cán bộ pháp luật dễ dàng hơn trong việc phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân nông thôn.
Sức mạnh của tinh thần đoàn kết giúp cho các cơ quan hành chính, tư pháp hoàn thành tốt các nhiệm vụ thực thi và bảo vệ pháp luật. khi truyền thống dân chủ làng xã được phát huy, người dân cởi mở, thẳng thắn tham gia ý kiến về những cái được và cái chưa được trong hoạt động thực hiện pháp luật.
Tuy nhiên, sự đề cao tính cộng đồng và chủ nghĩa tập thể dễ dẫn cán bộ làm công tác thực thi và bảo vệ pháp luật đến việc đánh mất ý thức về con người cá nhân. Điều này làm hạn chế năng lực sáng tạo, sự chủ động và quyết đoán của họ trong sự điều hành, giải quyết các công việc chung; từ đó ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện pháp luật.
Văn hóa chính là cuộc sống; do đó, khi làm biến dạng văn hóa, những người cầm quyền đã làm biến dạng cả cuộc sống. Hệ thống pháp luật, để có thể điều chỉnh được cuộc sống, cũng bị biến dạng theo; nói cách khác, để tương thích với một cuộc sống đã bị biến dạng thì bản thân pháp luật cũng phải méo mó và sự méo mó đáng sợ nhất của pháp luật chính là sự không thừa nhận quyền sở hữu của con người.
Chúng ta đều biết rằng, sở hữu là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của một xã hội văn minh, sở hữu cũng là quyền con người căn bản nhất. ở những nơi mà văn hóa bị thao túng, người ta không thừa nhận sở hữu tư nhân với hy vọng sẽ biến con người trở nên cao quý hơn vì không còn những tham vọng vật chất.
Nhưng, họ đã lầm; họ đã không nhận ra rằng, loại bỏ sở hữu tư nhân chính là một trong những hành vi phá hoại mạnh nhất đời sống văn hóa của con người và rằng, khi tiêu diệt quyền sở hữu hay ý thức sở hữu của con người đối với những vật cụ thể, thì người ta đã đồng thời tiêu diệt cả ý thức sở hữu của con người đối với những tài sản tinh thần mà pháp luật là một trong số đó. Con người không cảm thấy mình là chủ sở hữu của pháp luật; con người ứng xử một cách thiếu chừng mực với pháp luật và dần dần, con người chà đạp lên cả những tài sản tinh thần của mình. ở những nơi này, tham nhũng, dưới nhiều hình thức, tồn tại ngang nhiên và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn.
Đó chính là kết quả tất yếu của việc không thừa nhận sở hữu tư nhân. Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng, tham nhũng là sự suy đồi về đạo đức, nhưng theo chúng tôi, nếu coi tham nhũng như là biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức, thì tức là chúng ta đang đơn giản hóa tham nhũng và nếu tiếp tục với nhận thức như vậy thì chúng ta không thể khắc phục được tình trạng lan tràn của tham nhũng.
Hơn nữa, như đã phân tích trong phần trước, khuyết tật quan trọng nhất của nền văn hóa phi tự nhiên là tính đơn giản; chính nó đã tiêu diệt sự đa dạng của đời sống. Chính trong môi trường như vậy, cái chết về mặt tinh thần của con người đã tạo cơ hội cho sự lộng hành của một khuynh hướng đã được nhà cầm quyền lựa chọn và thậm chí, còn tạo ra nền văn hóa lộng hành.
Sống trong môi trường đơn khuynh hướng ấy, một số người tưởng rằng mình đang hít thở bầu không khí tự do mà không nhận ra rằng, mình đang là nạn nhân của sự lộng hành, nạn nhân của sự độc quyền lẽ phải hay độc quyền chân lý. Một trong những công cụ mà các nhà cầm quyền dùng để tăng cường, kiểm soát con người trong môi trường ấy chính là luật pháp.
Chỉ có những hệ thống pháp luật méo mó mới bảo đảm cơ sở tồn tại hợp pháp của sự lộng hành; cũng chỉ có những hệ thống pháp luật méo mó mới bảo trợ cho những hành vi tham nhũng tinh thần như vậy.Những hệ thống pháp luật như vậy, do bị cấy những yếu tố không có khả năng biến thành văn hóa, nên không chỉ tự mâu thuẫn với nhau mà còn mâu thuẫn với quá khứ và mâu thuẫn với năng lực thực hiện của xã hội.
Những phân tích trên cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa đến pháp luật. Tuy nhiên, sẽ là rất phiến diện nếu chúng ta không phân tích ảnh hưởng ngược lại của pháp luật đối với văn hóa. Với tư cách là công cụ điều chỉnh hành vi của con người, một hệ thống pháp luật méo mó sẽ tạo ra những hành vi méo mó.
Tư duy cũng là một loại hành vi, và do đó, hệ thống pháp luật méo mó còn tạo ra cả những tư duy méo mó. Với thời gian, những hành vi và tư duy méo mó đó trở thành những thói quen méo mó và củng cố thêm cho nền văn hóa vốn đã méo mó đó. Một dân tộc sở hữu cả nền văn hóa dị dạng lẫn hệ thống pháp luật méo mó như vậy là một dân tộc đã chết về mặt văn hóa hay chết về đời sống tinh thần.
3. Về lối sống và nếp sống hình thành từ phong tục tập quán đời thường
Liên quan và nằm trong cấu trúc của khái niệm lối sống có khái niệm nếp sống và lẽ sống.So với lối sống, khái niệm nếp sống hẹp hơn nhưng tính ổn định cao hơn. Nếp sống là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, trở thành nếp, thành thói quen và trong một xã hội nó có thể trở thành phong tục tập quán nếu được mọi người chấp nhận và tuân thủ như một giá trị. Trong khi đó khái niệm lẽ sống nói đến ý thức, lý tưởng của con người khi lựa chọn một cách sống nào đó.
Lối sống có thể là cơ sở đầu tiên để hình thành lẽ sống nhưng đến lượt nó, lẽ sống lại dẫn dắt lối sống bằng ánh sáng trí tuệ của nó. Lẽ sống trả lời câu hỏi: sống để làm gì? sống vì cái gì? Tức là nó biểu đạt một quan niệm sống, một lý tưởng sống, một thái độ lựa chọn định hướng giá trị cuộc sống của bản thân. Nó chứa đựng trong đó cả mục đích, động cơ, nhu cầu và lý tưởng sống của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử.
Trong đời sống hằng ngày, lối sống biểu hiện diện mạo của một con người hoặc một nhóm người. Nó mang những yếu tố đặc trưng cho một kiểu sống nào đó, chính vì vậy mà người ta thường dùng hai khái niệm văn hóa và lối sống đi liền nhau, có thể là văn hóa lối sống hoặc lối sống văn hóa.
Chẳng hạn, lối sống nông thôn không giống đô thị; lối sống dân tộc thiểu số không giống người Kinh; lối sống người nông dân không giống người công nhân, không giống giới trí thức… Tuy nhiên, không nên đồng nghĩa lối sống nào cũng đều là lối sống văn hóa, nếu như những biểu hiện trong hành vi không mang những phẩm chất tốt đẹp.
Với bản chất như vậy, lối sống có tác động nhất định vào các hoạt động xã hội ở cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực, trong đó có luật pháp với tư cách là những chế định bắt buộc. Suy cho cùng, sự tác động này nói đến mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và pháp luật.
Từ chế định theo nghĩa Hán Việt là “Lập ra, làm ra và giữ cho đúng”. Từ khi xã hội loài người hình thành, để quản lý xã hội thì phải có những quy định, chế ước, khế ước xã hội.Những định chế này, ban đầu có thể tồn tại trong dân gian, truyền miệng (bất thành văn), nhưng sau này đã được văn bản hóa (thành văn) ở nhiều hình thức, trong đó hình thức chặt chẽ nhất là pháp luật.
Trong xã hội loài người, luật pháp ra đời sau văn hóa và đạo đức. Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chế định do pháp luật đưa ra có liên quan mật thiết đến văn hóa và lối sống trong từng nhóm người cụ thể.Nhưng lối sống suy cho cùng là những thói quen của cá nhân và cũng là thói quen của một cộng đồng nào đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Con người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định.
Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những quy tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những quy tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ… Trong số đó, có những quy tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen.Đó là lối sống cá nhân.Có những quy tắc được thừa nhận rộng rãi trong nội bộ một cộng đồng nào đó.Chúng được người ta tuân thủ gần như vô điều kiện, gần như một lẽ đương nhiên.Đó là lối sống cộng đồng.
→ Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo! Để được hỗ trợ tư vấn pháp luật qua điện thoại, lắng nghe ý kiến chính thức từ Luật sư, quý khách hàng vui lòng gọi cho chúng tôi qua Tổng đài Luật sư: 1900.6568