Yếu tố kinh tế hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổng thể các điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế xã hội, hệ thống chính sách kinh tế, chính sách xã hội
Yếu tố kinh tế hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổng thể các điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế xã hội, hệ thống chính sách kinh tế, chính sách xã hội và việc triển khai thực hiện, áp dụng chúng trong lĩnh vực xã hội. Nền kinh tế xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật, tác đồng tích cực tới việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của tầng lớp xã hội. Ngược lại, nền kinh tế xã hội chậm phát triển, kém năng động và kém hiệu quả sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. Yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. Điều này được thể hiện rõ ở những mặt sau.
Thứ nhất, điều kiện kinh tế – xã hội có ảnh hưởng rất quan trọng đến lợi ích và do đó, tác động đến tư tưởng, quan điểm, thái độ, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với pháp luật. Khi nền kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất của các tầng lớp dân cư được cải thiện, lợi ích kinh tế được đảm bảo thì nhân dân sẽ phấn khởi tin tưởng vào đường lối kinh tế, chính sách pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động điều hành, quản lý của Nhà Nước. Khi đó, niềm tin của các chủ thể đối với pháp luật được củng cố. Hoạt động thực hiện pháp luật sẽ mang tính tích cực , thuận chiều, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật hiện hành.
Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, các cán bộ, công chức nhà nước, các tầng lớp nhân dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe, nhìn, có điều kiện thỏa mãn các nhu cầu thông tin pháp luật đa dạng và cập nhật. Các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ dễ dàng đến được với đông đảo cán bộ và nhân dân; nhu cầu tìm hiểu, trang bị thông tin, kiến thức pháp luật trở thành nhu cầu thị giác, thường trực trong suy nghĩ và hành động của họ. Điều đó giúp cho hoạt động thực hiên pháp luật của các chủ thể mang tính tích cực, tự giác. Còn khi kinh thế chậm phát triển, thu nhập thấp, tình trạng thất nghiệp gia tăng, lợi ích kinh tế không được đảm bảo, đời sống của cán bộ nhân dân gặp khó khăn thì tư tưởng sẽ diễn biến phức tạp, cái xấu có cơ hội nảy sinh, tác động tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật. Đây chính là mảnh đất lý tưởng cho sự xuất hiện các loại hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị, chuẩn mực pháp luật, như tệ quan lieu, cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng trong cán bộ, viên chức nhà nước; buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế từ phía các doanh nghiệp; trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy… trong các thành phần xã hội bất hảo…
Thứ hai, cơ chế kinh tế cũng có ảnh hưởng tới hoạt động thực hiện pháp luật. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây đã tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại; do đó, nhận thức pháp luật và hoạt động thực hiện pháp luật thường mang tính phiến diện, một chiều theo kiểu mệnh lệnh – chấp hành mệnh lệnh. Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay với những mặt tích cực của nó sẽ tạo ra tư duy năng động, sang tạo, coi trọng uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động kinh tế; từ đó sẽ tác động tích cực hơn tới ý thức pháp luật và hành vi thực hiện pháp luật của các chủ thế trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng. Nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng sẽ tạo ra tâm lý sùng bái đồng tiền, coi tiền là tất cả, bất chấp các giá trị đạo đức, pháp luật; đồng thời sẽ tạo ra những quan niệm, hành vi sai lệch trong thực hiện pháp luật, lấy đồng tiền làm thước đo để đánh giá các quan hệ giữa người với người . Đây lại là nguyên nhân phát sinh các hành vi trái pháp luật, là môi trường cho các loại tội phạm nảy sinh và phát triển.
>>> Luật sư
Xã hội ngày nay đang càng ngày càng phát triển, đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi nền pháp luật Việt Nam cũng phải thay đổi, bổ sung và chú trọng hơn về vấn đề kinh tế, chính vì vậy kinh tế càng phát triển nó lại tác động vào hoạt động thực hiện pháp luật của người dân. Có sự tiến bộ trong pháp luật thì mới có sự chấp hành đúng đắn của nhân dân và ngược lại, kinh tế suy thoái thì đồng nghĩa với việc pháp luật không được thực hiện ngiêm minh.
Thứ ba, việc thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo các nguyên tắc của công bằng xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện pháp luật. Nó là điều kiện cần thiết cho sự ổn định chính trị, tăng cường pháp chế và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội; củng cố ý thức của con người về cái chung trong các lợi ích, lý tưởng của họ, khơi dậy thái độ tích cực của quần chúng đối với việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; nhờ đó, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cũng được nâng lên một bước và việc thực hiện pháp luật của các chủ thể trở nên tự giác và chủ động hơn.