Quy định về hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài? Xuất hóa đơn đối với hợp đồng gia công như thế nào? Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho công ty thì có phải xuất hóa đơn không?
Mục lục bài viết
1. Xuất hóa đơn đối với hợp đồng gia công như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn giùm em trường hợp này: Ông Nguyễn Văn A có hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho công ty tôi . Và ông Nguyễn Văn A có đứng tên chủ doanh nghiệp tư nhân do ông A làm giám đốc. Vậy khi kết thúc lứa nuôi công ty tôi có trả tiền gia công cho ông A. Vậy ông A có phải xuất hóa đơn tiền công nuôi cho công ty tôi hay không để tính vào chi phí doanh nghiệp đồng thời xét miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho ông A?
Luật sư
Luật sư tư vấn:
– Tại Điều 14 Nghị định 51/2010/NĐ-CP
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo quy định tại
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung và đúng thực tế nghiệp vụ phát sinh;
+ Hóa đơn được lập thành nhiều liên gồm: liên giao cho người mua, liên người bán giữ và một số liên khác theo yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Nội dung lập hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số;
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình sử dụng nếu phát hiện mất hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải báo cáo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết để xử lý kịp thời.
+ Các cơ sở kinh doanh trong cùng một đơn vị kế toán theo quy định tại Luật Kế toán, sử dụng hóa đơn của cơ sở chính.
– Tại Điều 16
+ Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn;
+ Hàng hóa, dịch vụ bán không phải lập hóa đơn được theo dõi trên bảng kê;
+ Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua tại cuống, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.
Như vậy, nếu như Doanh nghiệp không thuộc trường hợp cung ứng dịch vụ không phải lập hóa đơn được quy định tại Điều 16 Nghị định 51/2010/NĐ-CP thì bắt buộc phải xuất hóa đơn cung ứng dịch vụ. Cụ thể là dịch vụ chăn nuôi gia công heo thịt.
2. Hình thức của hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có một câu hỏi rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Công ty tôi định nhận gia công hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Vậy tôi muốn hỏi hình thức của hợp đồng gia công với nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Luật Thương mại quy định về gia công hàng hóa, tuy nhiên không đề cập đến vấn đề hình thức của hợp đồng gia công nói chung. Theo đó, vấn đề về hình thức hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài được quy định tại Thông tư 13/2014/TT-BTC như sau:
“Điều 4. Hình thức hợp đồng gia công
1. Hợp đồng gia công được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng:
Đối với thương nhân nước ngoài phải có chữ ký; đối với thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam; đối với thương nhân là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số, ngày, nơi cấp chứng minh nhân dân của chủ hộ kinh doanh.
3. Các chứng từ kèm theo hợp đồng do bên đặt gia công là thương nhân nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử thì bên nhận gia công là thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu xác nhận.
Đối với thương nhân Việt Nam là hộ kinh doanh cá thể thì thực hiện theo khoản 2 Điều này”.
Như vậy để đáp ứng được điều kiện gia công hàng hóa với thương nhân nước ngoài công ty bạn cần phải đảm bảo về mặt hình thức đó là:
Thứ nhất: Hợp đồng gia công được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật
Thứ hai: Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng:
Đối với thương nhân nước ngoài phải có chữ ký; đối với thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam; đối với thương nhân là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số, ngày, nơi cấp chứng minh nhân dân của chủ hộ kinh doanh.
Thứ ba: Các chứng từ kèm theo hợp đồng do bên đặt gia công là thương nhân nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử thì bên nhận gia công là thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu xác nhận.
3. Hợp đồng gia công giữa thương nhân nước ngoài và thương nhân Việt Nam
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi là công ty ABC Thái Lan và bây giờ có mở một công ty tại Việt Nam là công ty ABC Việt Nam. Chúng tôi muốn công ty tại ABC Việt Nam gia công hàng cho công ty ABC tại Thái Lan. Tất cả nguyên vật liệu đều do công ty ABC tại Thái Lan cung ứng. Tôi muốn hỏi một số vấn đề sau:
1. Chúng tôi cần thực hiện thủ tục hải quan như thế nào? Và cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
2. Thời gian trên hợp đồng gia công được ký theo đơn hàng hay theo năm?
3. Nếu công ty ABC tại Thái Lan mua nguyên vật liệu tại công ty XYZ tại Việt Nam và giao cho công ty ABC tại Việt Nam gia công thì cần những giấy tờ gì?
4. Thủ tục khi ký hợp đồng sản xuất với công ty DFG và chuyển qua cho công ty ABC tại Việt Nam để đóng gói và xuất khẩu cho công ty ABC tại Thái Lan?
Luật sư tư vấn:
Thủ tục hải quan và giấy tờ cần chuẩn bị
Công ty ABC tại Thái Lan của bạn muốn cung cấp nguyên, vật liệu để công ty ABC Việt Nam gia công thì bên bạn phải làm thủ tục hải quan thì hàng hóa đó mới có thể nhập khẩu vào Việt Nam.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 24 Luật hải quan 2014 thì Hồ sơ hải quan mà bên bạn phải chuẩn bị đó là:
– Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan
– Chứng từ có liên quan
Tùy từng trường hợp, bên bạn phải nộp hoặc xuất trình chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
Sau khi hoàn thành hồ sơ hải quan, bên bạn thực hiện thủ tục hải quan theo điều 21
Căn cứ vào điều 21
- Nộp hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan
- Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
Thời gian trên hợp đồng được ký theo đơn hàng hay theo năm?
Trong hợp đồng gia công không bắt buộc các bên trong hợp đồng phải ký hợp đồng theo đơn hàng hay theo năm. Mỗi loại đều có những ưu nhược điểm riêng. Với hợp đồng ký theo đơn hàng, ưu điểm của loại hợp đồng ký theo đơn hàng là có thể thực hiện nhiều mặt hàng gia công khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm của loại này là mất thời gian các bên ký kết hợp đồng, phải làm thủ tục thanh lý, thanh khoản hợp đồng với cơ quan hải quan nhiều lần khi hợp đồng hết hiệu lực.
Đối với hợp đồng ký theo năm thì ưu điểm của loại này là các bên không mất nhiều thời gian ký hợp đồng, thanh toán, thanh lý hợp đồng nhiều lần khi hợp đồng hết hiệu lực, tiết kiệm thời gian, chi phí. Với loại hợp đồng này thì khi hết hiệu lực của hợp đồng chỉ cần bên nhận gia công phải thanh khoản hợp đồng với cơ quan hải quan (căn cứ khoản 1 điều 35 Nghị định số 187/ 2013 quy định chi tiết thi hành
Do bên bạn không nêu rõ công ty ABC tại Thái Lan của bạn có hoạt động gia công những mặt hàng gì, có tính chất thường xuyên hay không nên không thể đưa ra kết luận về thời gian ký kết hợp đồng cho bạn được. Tuy nhiên, bạn có thể dựa vào ưu và nhược điểm của các loại trên mà chọn thời hạn ký hợp đồng cho phù hợp.
Nếu công ty ABC tại Thái Lan mua nguyên vật liệu tại công ty XYZ tại Việt Nam và giao cho công ty ABC tại Việt Nam gia công thì cần những giấy tờ gì?
Trong trường hợp công ty XYZ tại Việt Nam trực tiếp giao vật liệu cho công ty ABC Việt Nam thì công ty ABC tại Thái Lan không phải làm thủ tục hải quan.
Công ty ABC tại Thái Lan phải thông báo cho công ty ABC Việt Nam về vấn đề này và chuyển giao những giấy tờ đối với hàng hóa nguyên vật liệu đã mua bán trên để công ty ABC Việt Nam nhận hàng.
Thủ tục khi ký hợp đồng sản xuất với công ty DFG và chuyển qua cho công ty ABC tại Việt Nam để đóng gói và xuất khẩu cho công ty ABC tại Thái Lan?
Bạn không nói rõ là công ty DFG là công ty Việt Nam hay công ty nước ngoài nên trong trường hợp này bạn đang mặc định nói đến công ty Việt Nam. Khi ký hợp đồng sản xuất với công ty DFG và chuyển qua cho công ty ABC tại Việt Nam để đóng gói và xuất khẩu thì khi xuất khẩu công ty công ty ABC Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục hải quan. Mặt khác công ty ABC Thái Lan và công ty ABC Việt Nam phải ký lại hợp đồng gia công với nội dung và phạm vi khác.
Hồ sơ hải quan mà công ty ABC Việt Nam phải chuẩn bị bao gồm:
– Tờ khai hải quan: nộp hai bản chính;
– Bảng kê khai chi tiết hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: nộp một bản chụp;
– Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính (xuất khẩu một lần) hoặc bản chụp (xuất khẩu nhiều lần) và xuất trình bản chính để đối chiếu, lập phiếu theo dõi trừ lùi;
– Các chứng từ khác có liên quan theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính.
(căn cứ vào khoản 1 Điều 19 Thông tư 13/2014 của Bộ Tài Chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài)