Trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp dùng các chiêu trò để chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của người sử dụng lao đọng. Vậy theo quy định hiện nay thì việc xử phạt với doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt với doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:
Đối với trường hợp vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ xử lý như sau:
– Đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tiền có giá trị từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng:
+ Trường hợp doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
+ Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nếu không thực hiện đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
+ Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ so với số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
+ Chiếm dụng số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Ngoài việc áp dụng biện pháp xử phạt thì doanh nghiệp còn phải áp dụng bện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Buộc người sử dụng lao động phải tiến hành đóng đủ với số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm
+ Buộc người sử dụng lao động phải nhanh chóng nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
+ Nếu trường hợp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước sẽ có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để tiến hành nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm từ 30 ngày trở lên.
Lưu ý: căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt được quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Trường hợp đối với mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên thì người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ bị xử phạt như sau:
– Trường hợp phạt tiền:
+ Phạt tiền có giá trị từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không được quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
+ Phạt tiền có giá trị từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không được quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc người sử dụng lao động phải khẩn trương đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
+ Buộc người sử dụng lao động phải khẩn trường nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chiếm dụng tiền đóng.
Nếu trường hợp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên.
2. Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp có phải là hành vi bị nghiêm cấm hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bổ sung 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
– Cấm trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.
– Chậm thủ tục đóng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
– Chiếm dụng só tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
– Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện khai báo bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
– Tiến hành sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
– Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
– Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu liên quan về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
– Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, dựa vào quy định tại Điều 17 để xác định đối với các hành vi nghiêm cấm.
3. Trách nhiệm của công ty đối với người lao động khi đóng bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bổ sung 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Định kỳ 06 tháng, Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
– Hằng năm, Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì khi người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động với người lao động từ 01 tháng trở lên thì phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trích từ phần tiền lương của họ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bổ sung 2019;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.