Xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh thủy sản. Hai sản phẩm vi phạm khác nhau thì ra hai quyết định xử lý vi phạm hành chính đúng không?
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh thủy sản. Hai sản phẩm vi phạm khác nhau thì ra hai quyết định xử lý vi phạm hành chính đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Khi tôi đi thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thủy sản, tại một đại lý khi kiểm tra thì phát hiện 01 mẫu sản phẩm không có tên trong danh mục lưu hành, tôi lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời kiểm tra thêm các sản phẩm khác và lấy 01 mẫu đem phân tích chất lượng. sau đó tôi có mời đại lý đến cơ quan để xử phạt lỗi không có danh mục, còn sản phẩm kia gửi đi phân tích và kết quả phân tích không đạt chất lượng thì tiếp tục mời đại lý đến cơ quan để phạt về lỗi chất lượng ( cách nhau 20 ngày). Như vậy là phạt đại lý 2 lần có đúng luật hay không? (lập 2 biên bản ra 02 quyết định với 2 hành vi của 2 sản phẩm khác nhau)? Hiện nay có ý kiến cho là xử lý như thế không đúng luật. Vấn đề trên chỉ ghi nhận hành vi sản phẩm không có trong danh mục qua biên bản làm việc và đợi kết quả phân tích chất lượng rồi mời đại lý đến để xử lý 02 trường hợp vi phạm (lập 01 biên bản, ra 01 quyết định xử phạt với 2 hành vi). Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi để thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật qui định?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Nội dung tư vấn:
– Căn cứ vào Khoản 4 Điều 24 Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản như sau:
"4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Nuôi các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật."
– Căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản như sau:
"Điều 28. Vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản không có xác nhận hoặc chứng nhận nguồn gốc theo quy định của pháp luật."
Đối với hành vi của chủ đại lý nuôi trồng, kinh doanh sản phẩm không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 4 Điều 24 Nghị định 103/2013/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 28 Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
– Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về thủy sản của cơ quan Thanh tra chuyên ngành thủy sản được quy định tại Điều 36 Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
– Như vậy, theo Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Do đó, hành vi của chủ đại lý khi Thanh tra chuyên ngành kiểm tra, phát hiện nếu chỉ là một hành vi nuôi trồng hay bảo quản hay kinh doanh loại thủy sản không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì người xử lý vi phạm chỉ được lập biên bản xử phạt một lần.