Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe máy đi ngược chiều. Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khi đi ngược chiều.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển xe máy đi ngược chiều. Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khi đi ngược chiều.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi bị phạt đi ngược chiều trong biên bản vi phạm ghi rõ là bị phạt theo quy định tại Điều 6 Khoản 4 điểm I Nghị định 46/2016/2016 và ghi rõ là ngày 30/12 đến địa điểm 282 Nơ Trang Long giải quyết vi phạm. Tôi đã đến chổ giải quyết vi phạm thì được một cán bộ ở đó chỉ nói 1 câu là 2 tháng sau quay lại. Xin hỏi luật sư như vậy có đúng không? Khi biên bản không ghi điều khoản nào giữ bằng 2 tháng. Các cán bộ đó bảo tôi 2 tháng nữa quay lại mà không giải thích, không giấy tờ nào hẹn lại như vậy có đúng không? Xin hỏi luật sư luật có diều nào quy định không ghi trong biên bản củng bị phạt không. Cám ơn luật sư nhiều!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Nội dung tư vấn
Trước tiên, với lỗi đi ngược chiều thì việc bạn bị xử lý theo quy định tại điểm I khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là hoàn toàn chính xác:
“4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.”
Điểm b khoản 12 điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định về các hình thức xử phạt bổ sung như sau:
“12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Như vậy, ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng thì bạn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng theo quy định trên. Về nguyên tắc thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng (điểm c khoản 1 Điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012). Theo đó, nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ thì mức xử phạt được áp dụng là mức trung bình của khung hình phạt và như vậy việc tạm giữ bằng lái xe 02 tháng trong trường hợp của bạn là hợp lý.
Về thắc mắc của bạn liên quan đến việc hình thức xử phạt bổ sung tạm giữ bằng lái xe không được nêu trong biên bản xử lý vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về nội dung biên bản xử phạt hành chính như sau:
“2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.”
Như vậy, biên bản xử phạt vi phạm hành chính không yêu cầu thông tin về hình thức xử phạt bổ sung mà chỉ ghi nhận những thông tin cơ bản như người có hành vi vi phạm và hành vi họ thực hiện…Như vậy, biên bản xử phạt trong trường hợp của bạn là hợp lệ.
>>> Luật sư
Tuy nhiên, với tư cách là người vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, bạn có quyền được yêu cầu người lập biên bản xử phạt và những cán bộ có trách nhiệm liên quan giải thích lỗi, thông báo mức khung hình phạt và cung cấp kiến thức pháp luật. Do đó, việc làm của các cán bộ trong trường hợp của bạn là không hoàn thành trách nhiệm, bạn có thể trực tiếp yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ hoặc có văn bản kiến nghị, góp ý đến thủ trưởng cơ quan.