Cá nhân hoàn toàn có quyền xác định lại giới tính, việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp mà pháp luật quy định. Vậy xử phạt phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính:
Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân hoàn toàn có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp:
– Giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh: khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2019 hợp nhất Nghị định về xác định lại giới tính có giải thích khuyết tật bẩm sinh về giới tính chính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi bắt đầu mới sinh ra, biểu hiện ở một trong những dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;
– Giới tính của người đó chưa định hình chính xác mà cần phải có sự can thiệp của y học nhằm để xác định rõ giới tính: khoản 2 Điều 2 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2019 hợp nhất Nghị định về xác định lại giới tính có giải thích giới tính chưa được định hình chính xác chính là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay là nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Điều 4 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2019 hợp nhất Nghị định về xác định lại giới tính quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong việc xác định lại giới tính, Điều này quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong việc xác định lại giới tính bao gồm có những hành vi sau:
– Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người mà đã hoàn thiện về giới tính.
– Thực hiện việc xác định lại giới tính khi mà chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật
– Tiết lộ các thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác.
– Có phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.
Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong việc xác định lại giới tính đó chính là hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính, nếu người nào có hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 45 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định xử phạt vi phạm quy định về xác định lại giới tính, Điều này quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của những người khác;
– Có phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.
Như vậy, người có hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời người có hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử.
2. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính hành vi phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính:
Căn cứ Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì những người sau đều có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính hành vi phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: có thẩm quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: có thẩm quyền phạt tiền đến đến 25.000.000 đồng;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành y tế đang thi hành công vụ: những người này có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng;
– Chánh Thanh tra các Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế: những người này có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành y tế cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của chính cơ quan nhà nước mà có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành y tế: những người này có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
– Chánh Thanh tra Bộ: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Cục trưởng Cục Quản lý dược: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành y tế cấp bộ: có thẩm quyền phạt tiền đến 35.000.000 đồng;
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ: có thẩm quyền phạt tiền đến 1.500.000 đồng;
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển: có thẩm quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển: có thẩm quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển: có thẩm quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát: có thẩm quyền phạt tiền đến 15.000.000 đồng;
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: những người này có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
– Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam : có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
3. Phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như có các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính. Các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đã xác định lại giới tính, chẳng hạn người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính thể hiện bằng lời nói như: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu đến người đã xác định lại giới tính. Nếu như người mà có các hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội làm nhục người khác thì người mà có hành vi phân biệt đối xử người đã xác định lại giới tính bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác thì sẽ phải đối mặt với những hình phạt sau:
– Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu như người đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính.
– Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội từ 02 lần trở lên;
+ Đối với từ 02 người trở lên;
+ Có lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người mà đang thi hành công vụ;
+ Đối với người mà dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đã xác định lại giới tính thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Làm cho nạn nhân tự sát.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2019 hợp nhất Nghị định về xác định lại giới tính;
– Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.