Tôi biết công thức pha chế đồ uống giống với hương vị của một thương hiệu đồ uống có tên Tiên Hưởng. Tôi có thể ghi quảng cáo “Học pha chế đồ uống đậm phong cách Tiên Hưởng” được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, hiện tại tôi biết công thức pha chế đồ uống giống với hương vị của 1 thương hiệu đồ uống tên Tiên Hưởng.
1. Tôi có thể ghi quảng cáo “Học pha chế đồ uống đậm phong cách Tiên Hưởng” được không?
2. Nếu trường hợp tôi đăng bài quảng cáo trên Fanpage của facebook như sau "Học pha chế đồ uống với hương vị giống như Tiên Hưởng" và lấy hình mẫu quảng cáo là hình ly nước của Tiên Hưởng. Trong các bài post ở trên fanpage, tôi có đăng các bài báo đăng thương hiệu Tiên Hưởng nổi tiếng, thức uống ngon, nhiều người uống, đông đúc… Tôi có vi phạm pháp luật không? Nếu có vi phạm, xin luật sư hãy tư vấn để không vi phạm pháp luật.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Có thể thấy rằng các hoạt động đăng thông tin lên mạng xã hội của bạn ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu đồ uống Tiên Hưởng. Tuy nhiên, liệu hành vi này có vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp mà công ty TNHH Tiên Hưởng đã được bảo hộ hay không, hành vi này có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không thì cần phải xem xét.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang kinh doanh dịch vụ, cụ thể là dịch vụ dạy pha chế đồ uống. Mục đích kinh doanh của bạn không phải là tạo ra một sản phẩm có các dấu hiệu xâm phạm đến thương hiệu đã nổi tiếng mang tên Tiên Hưởng (in ấn tem, nhãn hiệu lên bao bì sản phẩm,…), bạn cũng không bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh, tàng trữ, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Tiên Hưởng. Mục đích kinh doanh chính của bạn là dạy cách pha chế đồ uống có chất lượng giống như với đồ uống nổi tiếng có thương hiệu Tiên Hưởng, bí quyết pha chế là do bạn tự nghĩ ra mà không phải do biết được từ hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh. Bởi vậy, đối chiếu hành vi của bạn với các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì có thể thấy bạn không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm của Công ty TNHH Tiên Hưởng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mặt khác, bởi bạn không kinh doanh sản phẩm đồ uống, không có mục đích cạnh tranh với Tiên Hưởng, do vậy, pháp luật về cạnh tranh không điều chỉnh trường hợp của bạn.
Tuy nhiên, những hoạt động bạn đã thực hiện là các hoạt động quảng cáo (Theo Khoản 1 điều 2 Luật Quảng cáo 2012: Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân). Trong thông tin quảng cáo của bạn có trực tiếp nhắc đến tên sản phẩm đồ uống Tiên Hưởng, cụ thể là so sánh ngang bằng về chất lượng sản phẩm.
Khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 nghiêm cấm quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, nếu bạn đăng quảng cáo có so sánh trực tiếp về chất lượng sản phẩm của mình với thương hiệu Tiên Hưởng lên mạng xã hội thì hành vi của bạn đã vi phạm quy định của pháp luật.
Khoản 4, 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: …
b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;
….
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.”
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.