Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không lập báo cáo thống kê? Mức xử phạt đối với hành vi không lập báo cáo thống kê? Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không lập báo cáo thống kê?
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thống kê, pháp luật đã quy định cụ thể các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong đó hành vi không lập báo cáo thống kê. Vậy mức xử phạt đối với hành vi không lập báo cáo thống kê được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các vấn đề liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không lập báo cáo thống kê?
Đối với các vi phạm trong lĩnh vực thống kê, pháp luật đã quy định rõ các hành vi vi phạm, xác định đối tượng vi phạm, các mức phạt phụ thuộc vào hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm. Theo quy định của Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê thì các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các cá nhân, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê; cá nhân, tổ chức phổ biến và sử dụng thông tin thống kê; cá nhân, tổ chức được điều tra thống kê. Những đối tượng bị xử phạt hành chính đối với hành vi không lập báo cáo thống kê là những cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ trong lĩnh vực thống kê cụ thể là thực hiện chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê.
Trường hợp các cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm không lập báo cáo thống kê là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm thuộc công vụ, nhiệm vụ trong lĩnh vực thống kê được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm về không lập báo cáo thống kê thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về thống kê được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý hành chính.
2. Mức xử phạt đối với hành vi không lập báo cáo thống kê?
Theo Luật thống kê thì Báo cáo thống kê được hiểu là mẫu biểu và hướng dẫn ghi chép mẫu biểu để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được quy định trong chế độ báo cáo thống kê trong một thời kỳ nhất định.
Tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra thống kê; vi phạm các quy định về báo cáo thống kê; vi phạm các quy định về phổ biến và sử dụng thông tin thống kê; vi phạm các quy định về lưu trữ tài liệu thống kê.
Theo căn cứ tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định 79/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về thời hạn báo cáo thống kê, quy định:
“Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo thống kê, báo cáo tài chính.
Hành vi không báo cáo thống kê, báo cáo tài chính là sau 15 ngày so với chế độ quy định đối với báo cáo thống kê tháng, sau 30 ngày đối với báo cáo thống kê, báo cáo tài chính quý, 6 tháng, sau 45 ngày đối với báo cáo thống kê, báo cáo tài chính năm mà chưa gửi báo cáo thống kê, báo cáo tài chính cho cơ quan thống kê có thẩm quyền.”
Như vậy, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện báo cáo thống kê nhưng không báo cáo thống kê thì sẽ bị phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hành vi được xem là không báo cáo thống kê được xác định:
+ Sau 15 ngày so với chế độ quy định đối với báo cáo thống kê tháng;
+ Sau 30 ngày đối với báo cáo thống kê quý, 6 tháng;
+ Sau 45 ngày đối với báo cáo thống kê, báo cáo tài chính năm mà chưa gửi báo cáo thống kê, báo cáo tài chính cho cơ quan thống kê có thẩm quyền.
Như vậy, khi cá nhân, tổ chức có hành vi không lập báo cáo thống kê thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
3. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không lập báo cáo thống kê?
Đối với hành vi không lập báo cáo thống kê thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt hành vi này tùy thuộc vào mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh dưới đây là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, thì cần phải kịp thời lập
3.1. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Điều 17 Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê quy định:
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đối với các hình thức: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định Nghị định 79/2013/NĐ-CP.
3.2. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra và công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thống kê
Điều 18 Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê quy định về thẩm quyền xử phạt của thanh tra và công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra như sau:
– Thanh tra viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thống kê đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 300.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định.
– Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 21.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP .
– Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 30.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 3 Điều Nghị định 79/2013/NĐ-CP ; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP .
– Trưởng đoàn thanh tra Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 4 Điều Nghị định 79/2013/NĐ-CP; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP.
Đối với các mức độ của hành vi vi phạm cũng như mức hình phạt đối với các hành vi mà người có thẩm quyền sẽ dựa vào mức hình phạt để xác định thẩm quyền.
3.3. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành khác
Điều 19 Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê quy định về thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành khác như sau:
Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê theo quy định tại
Như vậy, đối với hành vi không lập báo cáo thống kê, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không lập báo cáo thống kê sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và mức xử phạt đối với các hành vi này. Ngoài hình thức xử phạt là phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.