Khai sinh là gì? Giấy khai sinh là gì? Phân biệt giấy khai sinh với một số giấy tờ khác? Xử lý đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh?
Một cá nhân đều có rất nhiều giấy tờ pháp lý cá nhân khác nhau như giấy khai sinh, căn cước công dân, hộ chiếu,… trong đó Giấy khai sinh là một trong những giấy từ pháp lý quan trọng của mỗi cá nhân. Đây là giấy tờ gốc của các giấy tờ sau này của mỗi cá nhân. Giấy khai sinh của mỗi cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và nghiêm cấm các cá nhân khác thay đổi, sửa chữa các thông tin trên giấy khai sinh, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về hoạt động xử lý đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh.
Tổng đài luật sư
1. Khai sinh là gì? Giấy khai sinh là gì?
Hộ tịch là những sự kiện xác định tình trạng thân của cá nhân từ khi sinh ra đến lúc chết. Các sự kiện này bao gồm: khai sinh, kết hôn, công nhận việc kết hôn; giám hộ, thay đổi, chấm dứt giám hộ; cha, mẹ nhận con hoặc con nhận cha, mẹ; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; xác định cha, mẹ, con theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xác định lại giới tính, ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật; tuyên bố, hủy tuyên bố mất tích hoặc chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, chết và các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Từ đó, có thể thấy khai sinh là một trong những hoạt động thuộc hộ tịch của một cá nhân. Đăng ký khai sinh là một nội dung của đăng ký hộ tịch theo quy định của Khoản 1 Điều 3
Đăng ký khai sinh là việc cơ quan nhà nước công nhận, xác nhận sự kiện một người được sinh ra và ghi vào sổ các thông tin hộ tịch cơ bản của người đó gồm: họ, chữ đệm, tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, số định danh cá nhân và của cha mẹ gồm họ, chữ đệm, tên, nơi cư trú, số định danh cá nhân của cha, mẹ nếu có. Do vậy, có thể hiểu đăng ký khai sinh là hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để xác định tư cách công dân, qua đó chính thức thiết lập mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước, là cơ sở pháp lý để cá nhân xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Hiện nay, chủ thể đăng ký khai sinh gồm có Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, cụ thể là trẻ em sinh ra tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp: có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài hoặc là người không quốc tịch; có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; có cha và mẹ là công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hoặc có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam trên địa bàn. Theo đó, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ đều có thẩm quyền như nhau trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em do cha mẹ lựa chọn.
Đăng ký khai sinh cần được thực hiện chính xác, kịp thời, đầy đủ để góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đăng ký khai sinh không chỉ liên quan đến các sự kiện sinh mới phát sinh mà còn liên quan đến sự kiện sinh đã phát sinh trong quá khứ như đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại khai sinh. Còn dưới góc độ không gian, thì sự kiện sinh không chỉ diễn ra trong phạm vi một đơn vị cấp huyện, hay cấp xã, cấp tỉnh nhất định, mà nó còn trên phạm vi quốc tế. Do đó, sự kiện sinh của một công dân không chỉ liên quan đến quản lý của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú mà còn liên quan đến địa phương khác trên phạm vi cả nước hoặc quốc tế.
Sau khi được đăng ký khai thì cá nhân được cơ quan cấp Giấy đăng khai sinh. Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thì “6. Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này”.
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch được cấp đầu tiên, ghi nhận sự ra đời, tồn tại của cá nhân, xác định các thông tin nhân thân cơ bản, quan trọng của cá nhân, trong đó có thông tin về quốc tịch, là cơ sở để xác lập các quyền, nghĩa vụ của các công dân. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Luật Hộ tịch đã xác định: Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Hiện nay, có hai nhóm đối tượng phải đăng ký khai sinh cho trẻ em bao gồm: cha mẹ, người thân tích khác là người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ em và công chức tư pháp- hộ tịch là người có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nội dung đăng ký khai sinh bao gồm: Xác định họ theo cha hay theo mẹ; xác định dân tộc theo cha hay theo mẹ; đặt tên cho con; xác định họ tên, dân tộc, quê quán cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha mẹ đẻ; bổ sung ngày, tháng sinh trong Giấy khai sinh.
2. Phân biệt giấy khai sinh với một số giấy tờ khác
Hiện nay, mọi người rất dễ nhầm lẫn giữa giấy khai sinh và một số giấy tờ pháp lý cá nhân khác, trong đó dễ nhầm lẫn với Giấy chứng sinh, trích lục hộ tịch, phần dưới đây sẽ cung cấp thông tin về Giấy chứng sinh và Trích lục hộ tịch để phân biệt với Giấy khai sinh.
Giấy chứng sinh là văn bản xác nhận việc sinh con do Bệnh viện, Nhà hộ sinh, Trạm y tế cấp xã, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ. Trên nội dung của Giấy chứng sinh có ghi những thông tin cơ bản của người mẹ như: họ tên, năm sinh, địa chỉ cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, dân tộc, thông tin về việc sinh như thời gian, ngày tháng năm sinh con, nơi sinh, giới tính bé.
Trích lục hộ tịch văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch, Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
3. Xử lý đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh
Hiện nay, pháp luật nghiêm cấm đối với các hành vi tẩy xóa, sửa chữa các giấy tờ hộ tịch nói chung và giấy khai sinh nói riêng. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau, như bố mẹ sửa chữa giấy khai sinh của mình để thủ tục đăng ký khai sinh cho con; sửa chữa giấy khai sinh để đăng ký kết hôn; sửa chữa, tẩy xóa giấy khai sinh để đăng ký giám hộ; ….
Ví dụ, trong trường hợp tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh để làm giấy khai sinh cho con, thì theo Điều 37
“Điều 37. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.”
Hoặc trường hợp tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh để đăng ký kết hôn, trường hợp này có thể xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn, nên các bên tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh để đạt đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, thì sẽ bị xử phạt theo quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn.” (Khoản 1 Điều 40 Nghị định 82/2020/NĐ- CP)
Và trên cơ sở các quy định các điều trong mục 2 Chương 2 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh với các mục đích khác nhau thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Bên cạnh đó, giấy khai sinh bị sửa chữa, tẩy xóa sẽ bị tịch thu, và các giấy tờ pháp lý được cơ quan nhà nước cấp dựa trên giấy khai sinh bị tẩy xóa, sửa chữa sẽ được xem xét, xử lý.