Hiện nay, phạm giao thông đường bộ diễn ra hết sức phổ biến và phức tạp. Nhiều trường hợp người vi phạm còn không chấp hành việc xử phạt tự ý bỏ đi khi cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xử phạt. Vậy hành vi vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký biên bản sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn:
Căn cứ Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT thì đối với lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ phải chịu 3 mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
– Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Căn cứ Điều 6 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT thì đối với xe máy hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ phải chịu 3 mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, hành vi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn là hết sức nguy hiểm, vậy nên mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi này là cần thiết, bởi khi tham gia giao thông mà lái xe có nồng độ cồn sẽ không tỉnh táo để có thể điều khiển phương tiện, làm chủ các tình huống xảy ra dễ dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông.
2. Xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký biên bản:
Việc người tham gia điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn phải chấp hành việc xử phạt theo quy định. Nếu người vi phạm cố tình không ký vào biên bản thì cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản xử lý người vi phạm về hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm soát của người thi hành công vụ; kèm theo đó cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải ghi lại những chứng cứ về việc tài xế không hợp tác, mời những người làm chứng như chính quyền địa phương, nhân chứng…
Căn cứ Khoản 9 Điều 11 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT thì hành vi không chấp hành này sẽ có mức xử phạt là phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Như vậy, khi mà bỏ xe, không ký vào biên bản thì người vi phạm nồng độ cồn vẫn sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm nồng độ cồn và còn có thể bị xử phạt thêm về hành vi không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ như phân tích trên.
Người vi phạm không ký vào biên bản không có nghĩa là người này không vi phạm và không phải chịu gì hết, trái lại người vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm thời hạn thi hành quyết định theo quy định. Nếu không tự nguyện chấp hành thì người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Những biện pháp cưỡng chế có thể bị áp dụng như là: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá…
Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị thu tiền chậm nộp phạt nếu không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt, mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
3. Thẩm quyền xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký biên bản như thế nào?
Theo Điều 76 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân được quy định như sau:
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng.
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Như vậy, nếu chưa tính hành vi vi phạm nồng độ cồn, chỉ tính mức phạt đối với người vi phạm có hành vi tự ý bỏ đi mà không ký biên bản phạt thì mức phạt đối với cá nhân là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, từ đó có thể thấy: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động không có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt