Tôi thế chấp lô đất tại ngân hàng, tôi gửi tiền thế chấp được vào một ngân hàng khác,vậy bây giờ nếu tôi tuyên bố không trả được nợ cho ngân hàng đó thì số tiền tôi gửi ngân hàng đó có ảnh hưởng gì không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có thế chấp một lô đất trong ngân hàng, tôi đã gửi tiền thế chấp được vào một ngân hàng khác,vậy bây giờ nếu tôi tuyên bố không trả được nợ cho ngân hàng đó thì số tiền tôi gửi ngân hàng đó cố ảnh hưởng gì không? Nếu tôi muốn không ảnh hưởng gì đến số tiền tôi thế chấp được khi tuyên bố không trả được nợ thì tôi phải làm thế nào? Xin luật sư tư vấn giúp tôi!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm: Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:
“1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
4. Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.”
Với số tiền thế chấp được anh gửi tại ngân hàng khác nếu anh không mang ra trả nợ, khi anh tuyên bố không trả được nợ cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản thế chấp là lô đất mà anh đã thế chấp tại ngân hàng.
Nếu số tiền có được sau khi ngân hàng xử lý lô đất không đủ để thanh toán cả vốn lẫn lãi thì ngân hàng tiếp tục kê biên tài sản của anh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ và khi đó số tiền trong tài khoản ngân hàng của anh cũng sẽ bị kê biên để trả nợ ngân hàng.
Việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm quy định tại điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ; Điều 15 sửa đổi khoản 4 và bổ sung khoản 6 Điều 58 Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.
Nếu các bên có thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điều 59 Nghị định 163/2006/NĐ-CP: Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận:
“1. Bán tài sản bảo đảm.
2. Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
3. Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ.
4. Phương thức khác do các bên thoả thuận.”
>>> Luật sư
Nếu các bên không có thỏa thuận về việc xử lý tài sản thì việc xử lý tài sản theo quy định Điều 68 Nghị định 163/2006/NĐ-CP; Điều 19 Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 163/2006/NĐ-CP về bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 68 như sau: Xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý:
“1. Trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá.
2. Trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa bên thế chấp và người sử dụng đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất.”