Năm 2007, cha tôi bị bệnh tai biến, đến nay thì đã hoàn toàn mất khả năng nhận biết. Giờ tài sản của cha tôi xử lý thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi có trang trại cao su, diện tích khoảng 100 hecta, giấy tờ đều đứng tên cha tôi, mẹ tôi thừa kế. Từ năm 2000 toàn bộ công việc của trang trại đều do cha tôi điều hành. Sau đó do tin tưởng một người, cha tôi giao toàn bộ công việc cho người đó quản lý. Năm 2007, cha tôi bị bệnh tai biến, đến nay thì đã hoàn toàn mất khả năng nhận biết. Công việc trang trại do mẹ tôi tiếp quản, nhưng người được cha tôi ủy quyền nay đưa ra một số giấy tờ sau:
– Giấy ủy quyền quản lý công việc trang trại của cha tôi cho người đó, kí năm 2009.
– Giấy xác nhận người đó hùn vốn làm ăn chung với ba tôi với tỉ lệ 50 : 50, kí tháng 11-2012.
Tuy nhiên, từ khi cha tôi bị bệnh, mẹ tôi tiếp quản toàn bộ công việc đều không hay biết đến các giấy tờ kia. Vậy tôi muốn hỏi, trong trường hợp này, các giấy tờ trên có hợp pháp? Hồ sơ bệnh án của cha tôi tại bệnh viện từ năm 2007 đến giờ tôi đã ghi lại vào giao cho bên có thẩm quyền xác minh, tuy nhiên ngoài ra còn cần có những giấy tờ nào khác, thủ tục để xác minh vụ việc như thế nào, tôi và mẹ tôi đều không biết, mong được Luật sư giải đáp.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cần phải xác định trang trại cao su có diện tích khoảng 100 hecta là tài sản riêng của cha hay mẹ anh, hay là tài sản chung của cả hai người.
Luật Hôn nhân gia đình 2000 quy định về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
“- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
– Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; đồ dùng, tư trang cá nhân.”
Mặc dù toàn bộ giấy tờ xác nhận quyền sử dụng diện tích đất trang trại đều ghi tên cha anh, song đó không được coi là chứng cứ để khẳng định diện tích đất đó là tài sản riêng của cha anh.
Theo quy định của pháp luật đã trích dẫn ở trên, diện tích đất trang trại được xác định là tài sản riêng của cha anh nếu có một trong những giấy tờ sau:
– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trong đó đối tượng được tặng cho là cha anh.
– Di chúc để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong đó ghi rõ người được thừa kế là cha anh.
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế có ghi quyền sử dụng đất thuộc về cha anh.
– Quyết định phân chia di sản thừa kế theo pháp luật của Tòa án có ghi quyền sử dụng đất thuộc về cha anh.
Và không có văn bản nào ghi nhận sự thỏa thuận giữa cha anh và mẹ anh, đồng ý nhập diện tích đất đó vào khối tài sản chung của vợ chồng.
Tương tự, diện tích trang trại sẽ được xác định là tài sản riêng của mẹ anh nếu có một trong những giấy tờ: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế, quyết định phân chia di sản thừa kế…trong đó có ghi rõ quyền sử dụng đất thuộc về mẹ anh và không có văn bản nào thể hiện sự đồng ý nhập diện tích đất đó vào khối tài sản chung.
Ngược lại, nếu có một trong các giấy tờ nêu trên, song lại có văn bản thể hiện sự tự nguyện nhập diện tích đất trên vào khối tài sản chung; hoặc nguồn gốc diện tích đất là do cha mẹ anh được tặng cho chung, thừa kế chung; hoặc diện tích đất là do cha hoặc mẹ anh được thừa kế riêng, tặng cho riêng nhưng không còn bất kì giấy tờ hay người nào làm chứng thì diện tích trang trại sẽ được xác định là tài sản chung của cha mẹ anh.
2. Giải quyết tranh chấp về giá trị pháp lý của hai văn bản ủy quyền (2009) và hợp tác kinh doanh (2012)
- Nếu diện tích trang trại là tài sản riêng của cha anh
Luật Hôn nhân gia đình quy định vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nên nếu diện tích trang trại là tài sản riêng của cha anh, cha anh hoàn toàn có quyền tự quyết định việc ủy quyền cho người khác quản lý công việc trang trại, cho người khác cùng hùn vốn làm ăn chung.
Tuy nhiên, như thông tin anh cung cấp, cha anh bị tai biến từ năm 2007, mà các văn bản ủy quyền và giấy xác nhận lại được làm sau mốc thời gian đó, nên không thể đảm bảo được cha anh kí các giấy tờ trên trong trạng thái minh mẫn, bình thường.
Điều 133 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác định giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, cha anh hoàn toàn mất khả năng nhận biết, không đáp ứng yêu cầu của pháp luật về người khởi kiện là “phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự”. Do vậy, phải giải quyết vụ việc theo hướng khác.
Cụ thể, khoản 1 điều 122 “Bộ luật dân sự 2015” quy định một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là tại thời điểm giao kết người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, nếu không đảm bảo điều kiện này, giao dịch vô hiệu tuyệt đối. Do vậy, anh hoặc mẹ anh cần làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố cha anh mất năng lực hành vi dân sự, sau đó làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố 2 giao dịch ủy quyền và hợp tác kinh doanh là vô hiệu do tại thời điểm giao kết cha anh mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. (phải làm lần lượt từng thủ tục, không được gộp 2 đơn yêu cầu làm một)
Đơn yêu cầu tuyên bố cha anh mất năng lực hành vi dân sự gửi đến Tòa án cấp huyện nơi cha anh cư trú, kèm theo đơn là các giấy tờ y khoa của bệnh viện xác nhận tình trạng bệnh của cha anh. Ngoài ra cần có đơn yêu cầu giám định pháp y để làm căn cứ chắc chắn nhất cha anh đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thủ tục giám định pháp y sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành, gia đình anh cần nộp chi phí giám định.
Bản kết luận giám định pháp y sẽ là căn cứ chắc chắn nhất để Tòa án tuyên bố cha anh mất năng lực hành vi, đặc biệt là trong bản kết luận này sẽ nêu rõ thời điểm cha anh mất năng lực hành vi.
Nếu thời điểm đó là từ trước khi có các văn bản ủy quyền năm 2009, giấy xác nhận 2012, thì mẹ anh (là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự tức là cha anh) có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố 2 giao dịch ủy quyền năm 2009 và hợp tác kinh doanh năm 2012 là vô hiệu do tại thời điểm giao kết, cha anh không có năng lực hành vi. Đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp huyện nơi có diện tích trang trại. Nếu giao dịch được Tòa án công nhận là vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của cả cha anh và người đó, ngoài ra hai bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Hay hiểu đơn giản là sau khi có quyết định của Tòa án, gia đình anh phải trả lại khoản tiền hay các tài sản khác đã nhận từ người hùn vốn, khoản tiền này theo nguyên tắc lấy từ tài sản riêng của cha anh, tuy nhiên nếu mẹ anh đồng ý thì có thể lấy từ khối tài sản chung của vợ chồng để trả, người đó không có quyền quản lý hay sử dụng gì đối với diện tích trang trại của cha anh.
Nếu thời điểm cha anh mất năng lực hành vi là sau khi kí văn bản ủy quyền quản lý công việc trang trại thì đối với việc ủy quyền quản lý công việc trang trại giải quyết như sau:
– Nếu trong văn bản ủy quyền không ghi rõ thời hạn ủy quyền, thì theo quy định tại điều 582 “Bộ luật dân sự 2015”, thời hạn ủy quyền chỉ là một năm. Giả sử văn bản ủy quyền kí ngày 1 tháng 5 năm 2009, thì đến ngày 2 tháng 5 năm 2010, thời hạn ủy quyền đã hết và hợp đồng ủy quyền chấm dứt, quyền quản lý thuộc về cha anh. Từ thời điểm năm 2007 cha anh bị bệnh, tức là không thể quản lý tài sản riêng của mình, và cũng không ủy quyền cho ai quản lý, thì mẹ anh đương nhiên có quyền quản lý trang trại (theo khoản 2 điều 33 Luật Hôn nhân gia đình). Như vậy, toàn bộ thời gian từ sau khi hợp đồng ủy quyền hết hạn đến nay, cha anh không có nghĩa vụ phải trả tiền thù lao thực hiện công việc ủy quyền cho người đó, hơn thế nữa, nếu trong quãng thời gian đó người đó có hành vi gây thiệt hại đến diện tích trang trại thì họ phải đền bù thiệt hại cho cha anh.
– Nếu trong văn bản ủy quyền ghi rõ thời hạn ủy quyền, thì theo quy định tại khoản 4 điều 589 Bộ luật dân sự về các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố cha anh mất năng lực hành vi dân sự, hợp đồng ủy quyền chấm dứt, quyền quản lý thuộc về mẹ anh.
>>> Luật sư
Do vậy, khi người đó đưa ra các giấy tờ trên đòi quyền quản lý trang trại, thì mẹ anh có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp huyện nơi người đó cư trú hoặc Tòa án cấp huyện nơi có diện tích trang trại để xác định rõ quyền quản lý tài sản thuộc về mẹ anh chứ không phải người đó.
- Nếu diện tích trang trại là tài sản riêng của mẹ anh
Trong trường hợp này, quyền ủy quyền quản lý trang trại, cho phép người khác cùng hùn vốn làm ăn thuộc về mẹ anh, chứ không phải cha anh, cha anh chỉ được thực hiện các giao dịch này nếu có sự ủy quyền của mẹ anh, nhưng ở đây là không có, do vậy các giao dịch trên được coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, không bị giới hạn về thời hiệu khởi kiện, mẹ anh có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi có diện tích trang trại tuyên bố 2 giao dịch ủy quyền và hợp tác kinh doanh là không có giá trị pháp lý, hậu quả pháp lý được giải quyết như trên đã phân tích.
- Nếu diện tích trang trại là tài sản chung của cha mẹ anh
Điều 28 Luật Hôn nhân gia đình quy định:
Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn…phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận.
Như thông tin anh cung cấp thì cả việc ủy quyền quản lý cũng như việc hùn vốn làm ăn giữa cha anh và người khác, mẹ anh không hề hay biết, như vậy là các giao dịch đó đã vi phạm điều cấm của pháp luật, sẽ không bị giới hạn về thời hiệu khởi kiện, nên mẹ anh có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp huyện nơi có diện tích trang trại để yêu cầu tuyên bố 2 giao dịch đó vô hiệu. Hậu quả của giao dịch khi được xác định là vô hiệu như phần trên đã phân tích.