Quy định về dân quân tự vệ? Trách nhiệm của Dân quân tự vệ? Xử lý dân quân tự vệ khi không chấp hành quyết định điều động?
Trong thực thể các thế trận quốc phòng toàn dân, không thể thiếu một bộ phận đó là Dân quân tự vệ. Đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong và luôn được Đảng và Nhà nước đánh giá là lực lượng đóng góp vai trò quan trọng trong bảo vệ và xây dựng nước nhà toàn vẹn lãnh thổ. Vậy thực chất lực lượng vũ trang nhân dân là gì? Vai trò của lực lượng này được quy định như thế nào và cơ cấu tổ chức thực hiện được quy định ra sao?
Luật sư
Cơ sở pháp lý: Luật lực lượng vũ trang nhân dân năm 2019
1. Quy định về dân quân tự vệ?
Dân quân tự vệ là gì?
Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.
Dân quân tự vệ chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ Tịch Nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương. Bí thư đảng ủy ban chỉ huy quân sự hoặc chính trị viên của lực lượng tự vệ là bí thư đảng bộ hoặc phó bí thư thường trực của các cấp chính quyền, đơn vị.
Phân nhóm dân quân tự vệ
Phân theo mức độ sử dụng, dân quân tự vệ chia làm:
– Dân quân tự vệ nòng cốt: Dân quân tự vệ nòng cốt gồm những người đang thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ.
– Dân quân tự vệ rộng rãi: Dân quân tự vệ rộng rãi gồm những thành viên dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ dân quân tự vệ và công dân trong độ tuổi quy định.
Phân theo mức độ cơ động, dân quân tự vệ nòng cốt chia làm ba loại
– Dân quân cơ động: Là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức thành các đơn vị sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.
– Dân quân tại chỗ: Ở địa phương gọi là dân quân, ở cơ quan gọi là tự vệ
– Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế.
Phân theo biên chế, dân quân tự vệ nòng cốt chia làm hai loại:
– Dân quân tự vệ bộ binh
– Dân quân tự vệ binh chủng
Phân theo trọng điểm có:
– Dân quân thường trực: là lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
– Dân quân tự vệ biển: Là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam.
Dân quân tự vệ được biên chế thành đơn vị gồm:
+ Tổ
+ Tiểu đội, khẩu đội (đối với pháo binh)
+ Trung đội
+ Đại đội, hải đội (đối với dân quân tự vệ biển)
+ Tiểu đoàn, hải đoàn (đối với dân quân tự vệ biển)
Tổ chức chỉ huy quân sự cơ sở gồm:
+ Thôn đội: tổ chức tổ, tiểu đội, trung đội dân quân tại chỗ;
+ Xã đội (Ban chỉ huy quân sự cấp xã): Tổ chức trung đội dân quân cơ động
+ Ban chỉ huy quân sự ở đơn vị cơ sở: tổ chức tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn tự vệ. Cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội, hải đoàn tự vệ biển;
+ Ban chỉ huy quân sự ở các cơ quan Trung ương.
Độ tuổi tham gia dân quân tự vệ
– Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
– Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định
2. Trách nhiệm của Dân quân tự vệ
Có thể xác định trách nhiệm qua vai trò và nhiệm vụ của dân quân tự vệ
Vai trò của dân quân tự vệ
Dân quân tự vệ là một lực lượng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phong trào toàn dân đánh giặc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong thời bình tại địa phương. Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải đối phó với chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng chiến đấu chống mọi tình huống chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch thì vai trò của dân quân tự vệ càng được coi trọng.
Lực lượng dân quân tự vệ là một trong những công cụ chủ yếu để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trực tiếp ở từng địa phương bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước ở cơ sở.
Đánh giá vai trò dân quân tự vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ thù nào dù hung bạo đến đâu hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã”.
Trong thời bình, dân quân tự vệ là lực lượng đông đảo tham gia xây dựng kinh tế, phát triển địa phương và cả nước. Là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống thiên tai, địch hoạ bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Trong thời chiến, dân quân tự vệ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện của địch, căng kéo, kìm chân, buộc địch phải sa lầy tại địa phương ; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, các thủ đoạn chiến đấu, tạo thế, tạo lực cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân.
Nhiệm vụ của dân quân tự vệ
Căn cứ theo Điều 5
“Điều 5. Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ
1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.
2. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.
6. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”.
Như vậy, Theo luật dân quân tự vệ thì dân quân tự vệ bằng chức danh và nghĩa vụ của mình thực hiện vai trò của mình là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nòng cốt quan trọng trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phong trào toàn dân đánh giặc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ thời chiến đến thời bình. Trách nhiệm bảo vệ của dân quân tự vệ được thực hiện ở khắp địa phương bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước ở cơ sở
3. Xử lý dân quân tự vệ khi không chấp hành quyết định điều động?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 21
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc xây dựng dân quân tự vệ.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng dân quân tự vệ.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dân quân tự vệ không đúng pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
– Buộc tổ chức dân quân tự vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;
– Buộc giải tán lực lượng dân quân tự vệ tổ chức không đúng pháp luật đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.
Do đó, trong trường hợp của bạn, nếu bạn không chấp hành quyết định của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Mặt khác, khi không chấp hành các quyết định đó, chiến sĩ dân quân còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là:
Buộc tổ chức dân quân tự vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi trên.