Bình xịt hơi cay được xem là loại công cụ hỗ trợ nguy hiểm, tuy nhiên quá trình quản lý và sử dụng bình xịt hơi cay vẫn còn rất lỏng lẻo. Vậy hành vi xịt hơi cay để cướp tài sản sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Mục lục bài viết
1. Xịt hơi cay để cướp tài sản bị phạt bao nhiêu năm tù?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019 có quy định về bình xịt hơi cay, theo đó thì bình xịt hơi cay là một trong các công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phương tiện gì thôi cây hay còn được gọi là bình xịt hơi cay là công cụ hỗ trợ, đây được xác định là phương tiện nghiệp vụ được sử dụng cho các lực lượng chức năng thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết, thực hiện nhiệm vụ nhằm mục đích hạn chế và ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả hoặc chạy trốn trái quy định của pháp luật, đây được xem là phương tiện nghiệp vụ để bảo vệ người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, bảo vệ người thực hiện nhiệm vụ báo hiệu khẩn cấp hoặc bảo vệ người và tài sản của nhà nước, cá nhân và tổ chức khác trong xã hội.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Văn bản hợp nhất Luật quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có hành vi: Nghiêm cấm cá nhân sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái quy định của pháp luật, ngoại trừ các vũ khí thu sơ được xác định là hiện vật để trưng bày triển lãm và đồ gia bảo.
Theo đó thì có thể nói, bình xịt hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ một số cơ quan chức năng và các lực lượng chức năng mới được phép sử dụng. Do đó, pháp luật không cho phép cá nhân có hành vi tự tiện mua và sử dụng bình xịt hơi cay, đặc biệt là đề nghiêm cấm các đối tượng lợi dụng bình xịt hơi cay để thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Khi cá nhân sử dụng bình xịt hơi cay để cướp tài sản thì tùy vào mức độ và hậu quả xảy ra trên thực tế, cá nhân đó hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 168 của Bộ luật hình sự năm 2015. Cướp tài sản được xác định là hành vi xâm phạm đồng thời hai quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Tức là bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội đã xâm phạm đến thân thể, quyền tự do của con người, từ đó xâm phạm đến quyền sở hữu của bị hại. Có thể đưa ra các dạng hành vi khách quan của tội cướp tài sản bao gồm:
– Hành vi dùng vũ lực;
– Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc;
– Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự.
Đối với cả 03 dạng hành vi phạm tội của tội cướp tài sản theo như phân tích nêu trên thì đều thể hiện lỗi của người phạm tội đó là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã biết hành vi của mình là vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn mong muốn hành vi được thực hiện với mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thực hiện các hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự, người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản trái phép của nạn nhân.
Điều 168 của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay có quy định các khung hình phạt đối với người phạm tội. Điều luật quy định 04 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân. Khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội được quy định có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Căn cứ vào điềm d khoản 1 Điều 133 của Bộ luật Hình sự, điểm 2 mục 1 Phần I của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật và điểm b khoản 9 Điều 3 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì trường hợp dùng bình xịt hơi cay để cướp tài sản thì sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng đó là “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Tình tiết định khung tăng nặng “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” hiện nay đang được quy định cụ thể tại điểm d khoản 2 Điều 168 của Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Theo đó thì có thể nói, mặc dù pháp luật hình sự không quy định cụ thể về mức phạt tù đối với hành vi xịt hơi cay để cướp tài sản. Tuy nhiên, đối chiếu với điều luật phân tích nêu trên, hành vi xịt hơi cay để cướp tài sản có thể bị xử phạt với mức cao nhất là 15 năm tù.
2. Đối tượng nào được phép sử dụng bình xịt hơi cay?
Pháp luật hiện nay chỉ cho phép một số đối tượng nhất định có quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, trong đó có bình xịt hơi cay. Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Văn bản hợp nhất luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019 có quy định về các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ. Cụ thể bao gồm:
– Quân đội nhân dân, công an nhân dân;
– Dân quân tự vệ và lực lượng cảnh sát biển;
– Lực lượng cơ yếu;
– Các cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan thi hành án dân sự;
– Lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, lực lượng trực tiếp tiến hành nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;
– Hải quan cửa khẩu, các lực lượng thực hiện nghĩa vụ chuyên trách chống buôn lậu thuộc cơ quan hải quan;
– Các lực lượng thuộc đội kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường;
– Lực lượng an ninh hàng không, lực lượng thực hiện trực tiếp nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải;
– Ban bảo vệ tổ dân phố;
– Các câu lạc bộ, các cơ sở huấn luyện, cơ sở đào tạo thể thao có giấy phép hoạt động hợp pháp;
– Các lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
– Các cơ sở cai nghiện ma túy;
– Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì cần phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ, và cần phải được thông qua bởi bộ trưởng Bộ công an.
Theo đó thì có thể nói, chỉ những người thuộc đối tượng nêu trên thì mới được phép sử dụng bình xịt hơi cay. Các cá nhân còn lại sẽ không được tự ý sử dụng bình xịt hơi cay. Cá nhân không thuộc các đối tượng nêu trên của hành vi mua và sử dụng bình xịt hơi cay sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
3. Mức xử dụng bình xịt hơi cay trái quy định pháp luật:
Căn cứ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định cụ thể các mức phạt liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép bình xịt hơi cay như sau:
– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, các loại công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông hướng tới mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác (theo điểm b khoản 4 Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình);
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, các loại phế phẩm vũ khí, các loại công cụ hỗ trợ (theo điểm d khoản 3 Điều 11 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Thông tư 17/2018/TT-BCA của Bộ Công an quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;
– Văn bản hợp nhất 28/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Văn phòng Quốc hội ban hành;
– Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.