Xe tập lái (hay còn gọi là xe huấn luyện lái) là một loại xe đặc biệt được sử dụng ở trong quá trình đào tạo và huấn luyện người lái xe. Vậy xe tập lái vi phạm giao thông có bị CSGT xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Quy định về xe tập lái:
Xe tập lái (hay còn gọi là xe huấn luyện lái) là một loại xe đặc biệt được sử dụng ở trong quá trình đào tạo và huấn luyện người lái xe. Xe tập lái thường được thiết kế và được trang bị như một chiếc xe thực sự, nhưng nó có các tính năng an toàn và điều khiển đặc biệt để hỗ trợ cho việc đào tạo lái xe cho người mới bắt đầu hoặc cho người muốn nâng cao kỹ năng lái xe. Xe tập lái thường được sử dụng ở trong các trung tâm đào tạo lái xe, trường học, tổ chức giáo dục và những cơ sở đào tạo lái xe khác để hướng dẫn và rèn luyện những kỹ năng lái xe cần thiết cho người học.
Điều kiện dành cho xe tập lái được quy định rõ tại Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực đường bộ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/11/2022. Cụ thể, để dùng làm xe tập lái cho học viên, những loại xe này cần đáp ứng yêu cầu như sau:
– Thứ nhất, có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái. Nếu như cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe thì phải căn cứ vào thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, pháp luật có quy định được phép sử dụng xe sát hạch để đào tạo lái xe nhưng không được quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái.
– Thứ hai, đối với việc sử dụng ô tô tải để dạy lái xe các hạng B1, B2, thì những chiếc ô tô này sẽ phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên và không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực đường bộ cũng đã bãi bỏ một số quy định cũ như:
– Một là, không yêu cầu xe tập lái phải thuộc quyền sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực đường bộ đã loại bỏ yêu cầu này, cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng xe tập lái mà họ không sở hữu, giúp cho linh hoạt trong việc sử dụng và cung cấp nhiều các lựa chọn hơn về loại xe và hãng xe trong quá trình đào tạo.
– Hai là, có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không được vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E.
– Ba là, xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với các nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng.
2. Trường hợp nào xe tập lái bị CSGT xử phạt?
Theo quy định của pháp luật về đào tạo lái xe tại Việt Nam, những xe tập lái chỉ được phép di chuyển trên các tuyến đường đã được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái. Cơ sở đào tạo lái xe sẽ chỉ được cấp giấy phép xe tập lái từ Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh, và ở trong giấy phép này, sẽ ghi rõ danh sách những tuyến đường mà xe tập lái được phép hoạt động. Thời gian của giấy phép xe tập lái sẽ có tương đương với chu kỳ đăng kiểm của xe. Thêm nữa, tại khoản 1 Điều 58 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ có quy định người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, đủ sức khoẻ đã quy định tại Điều 60 của Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đối với người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành ở trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái. Như vậy, nếu người học lái xe hay là cơ sở đào tạo vi phạm quy định trên, các chủ thể sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính và có thể sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Điều này là hợp lý nhằm mục đích để đảm bảo tuân thủ đúng quy định và góp phần vào việc duy trì về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe tập lái không đạt tiêu chuẩn, cơ sở đào tạo không đáp ứng đủ các điều kiện cũng như học viên hay giáo viên dạy sai cách, tùy tiện thực hiện di chuyển trên các tuyến đường và thời gian không đúng quy định…. là hết sức phổ biến. Chính các tình trạng này đã gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia giao thông đường bộ. Một ví dụ điển hình đó chính là sự việc hai học viên nữ chạy xe tập lái ở khu dân cư thuộc xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã gây tai nạn khiến bé gái 3 tuổi thiệt mạng vào ngày 11/08/2022.
3. Mức xử phạt liên quan đến vi phạm khi lái xe tập lái:
Căn cứ Điều 37
– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với giáo viên dạy lái xe thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây:
+ Giáo viên dạy thực hành để học viên không có phù hiệu “Học viên tập lái xe” lái xe tập lái hoặc có phù hiệu nhưng lại không đeo khi lái xe tập lái;
+ Giáo viên dạy thực hành chở người, hàng hóa trên xe tập lái trái quy định;
+ Giáo viên dạy thực hành chạy sai tuyến đường trong Giấy phép xe tập lái; không ngồi ở bên cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên thực hành lái xe (kể cả là ở trong sân tập lái và ngoài đường giao thông công cộng);
+ Không đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” khi thực hiện giảng dạy;
+ Giáo viên dạy thực hành không mang theo Giấy phép xe tập lái hoặc mang theo Giấy phép xe tập lái mà đã hết giá trị sử dụng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây:
+ Cơ sở đào tạo lái xe không bố trí giáo viên dạy thực hành ngồi ở bên cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên thực hành lái xe; bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy;
+ Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng xe tập lái không có “Giấy phép xe tập lái” hoặc có nhưng đã hết hạn, không gắn biển xe “Tập lái” trên xe theo đúng quy định, không ghi tên cơ sở đào tạo, số điện thoại ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc ở hai bên thành xe theo quy định;
+ Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng xe tập lái không trang bị thêm các bộ phận hãm phụ hoặc có nhưng không có tác dụng;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe, đối với trung tâm sát hạch lái xe thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây:
+ Cơ sở đào tạo lái xe tổ chức đào tạo lái xe ngoài địa điểm được ghi ở trong Giấy phép đào tạo lái xe;
+ Cơ sở đào tạo lái xe không có đủ thiết bị giám sát quãng đường học thực hành lái xe của học viên hoặc có những thiết bị đó nhưng không hoạt động theo quy định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ;
– Nghị định 70/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực đường bộ;
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.