Xác minh điều kiện thi hành án dân sự? Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự?
Xác minh và kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự là một trong những hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa và vai trò quan trọng của những chủ thể là Kiểm sát viên trong quá trình họ kiểm sát hồ sơ đang thi hành án và hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án dân sự. Hiện nay, việc xác minh và kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự được ban hành nhằm mục đích để đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được cơ quan, tổ chức và công dân tôn trọng và chấp hành một cách nghiêm chỉnh trong thực tiễn. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về việc xác minh và kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự:
Theo Điều 44
“1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.
Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.”.
Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự sẽ được Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự tiến hành. Việc ban hành quy định này đã góp phần khắc phục được những hạn chế trong công tác xác minh điều kiện thi hành án của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và tránh gây ra những khó khăn cho các chủ thể là người được thi hành án và bất cập trong thu phí xác minh điều kiện thi hành án.
Hiện nay, việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự đã trở thành một bước tổ chức thi hành án dân sự đầu tiên có ý nghĩa quan trọng. Theo quy định pháp luật, khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào kết quả xác minh điều kiện thi hành án để tổ chức thi hành các bước tiếp theo cụ thể như việc ban hành ra các quyết định: Ủy thác đi, hoãn, đình chỉ, chưa điều kiện thi hành án hay lựa chọn biện pháp cưỡng chế thi hành án để đảm bảo thi hành án dân sự.
Đối với thẩm quyền khi xác minh điều kiện thi hành án, pháp luật Thi hành án dân sự quy định cho phép các Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án dân sự.
Trong trường hợp các chủ thể là người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất là trong thời hạn sáu tháng một lần, Chấp hành viên có trách nhiệm phải xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Cần lưu ý rằng, sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trong quá trình khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên sẽ yêu cầu các chủ thể là người phải thi hành án dân sự kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của mình. Tuy nhiên, hiện nay, quy định này ít phát huy hiệu quả bởi vì trên thực tế đa phần người phải thi hành án không hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành, bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Do vậy, các Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn và phải gián tiếp xác minh qua chính quyền cấp cơ sở tại địa phương dẫn đến nhiều trường hợp kết quả xác minh thiếu chính xác, chưa đúng với thực tế về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dân sự.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng quy định đối với trường hợp các chủ thể là người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì sẽ căn cứ theo mức độ, tính chất của việc vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc ban hành quy định này đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật nước ta nhưng hiện nay cũng ít phát huy tác dụng và hiệu quả vì Chấp hành viên gần như không áp dụng quy định này vào quá trình tổ chức thi hành án dân sự trong thực tiễn.
Như vậy, dù Luật Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định cụ thể theo hướng tăng quyền hạn cho Chấp hành viên và tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn phát sinh rất nhiều trở ngại. Không những các chủ thể là người phải thi hành án trốn tránh nghĩa vụ mà thâm chí các chủ thể có liên quan nắm giữ thông tin về tài sản của người phải thi hành án cũng không hợp tác dẫn đến những khó khăn khi xác minh điều kiện thi hành án đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc giao dịch bảo đảm. Từ đó các Chấp hành viên rất khó để xác minh về điều kiện thi hành án của các chủ thể một cách chính xác do chưa có một hệ thống dữ liệu liên quan đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, trong khi pháp luật lại không đưa ra một chế tài đủ răn đe đối với các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin.
2. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự:
2.1. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án trong giai đoạn đang thực hiện Quyết định thi hành án dân sự:
Theo Điều 44, 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định trong thời hạn 15 ngày là thời hạn tự nguyện thi hành án kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế xác minh.
Như vậy, ta nhận thấy, ngay từ khi tiếp nhận Quyết định thi hành án dù là chủ động hoặc theo yêu cầu thì Kiểm sát viên sẽ chủ động tính thời hạn tự nguyện của người phải thi hành án và có trách nhiệm giám sát chặt chẽ các hoạt động giải quyết việc của Chấp hành viên trong đó có hoạt động về xác minh điều kiện thi hành án, để nắm chắc tình hình kết quả thi hành vụ việc, kịp thời phát hiện vi phạm yêu cầu khắc phục (nếu có), đồng thời có kế hoạch kiểm sát xác minh việc thi hành án, nhằm mục đích để đảm bảo không bị thụ động trong công việc.
2.2. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án đối với các hồ sơ xếp việc chưa có điều kiện thi hành án:
Theo Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định đối với trường hợp các chủ thể là người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất là sáu tháng một lần, Chấp hành viên sẽ có trách nhiệm cần phải xác minh điều kiện thi hành án.
Đối với trường hợp các chủ thể là người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ hai năm trở lên hoặc không thể xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất một năm một lần và sau hai lần xác minh mà các chủ thể là người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh.
Như vậy, ta nhận thấy, kiểm sát các hồ sơ xếp việc chưa có điều kiện thi hành án rất quan trọng nhằm đảm bảo các việc chuyển chưa có điều kiện thi hành là có căn cứ và đúng quy định. Chính vì vậy các Kiểm sát viên phải thường xuyên và định kỳ hàng tháng thông qua công tác phối hợp với Chấp hành viên tiếp nhận tài liệu phân loại việc để nắm các trường hợp chưa có điều kiện để làm căn cứ cơ sở cho kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án hằng năm.
2.3. Kiểm sát tài liệu xác minh điều kiện thi hành án:
Đối với các tài liệu có liên quan đến việc xác minh tài sản của các chủ thể là người phải thi hành án do Chấp hành viên thu thập phải được nghiên cứu tỉ mỉ và cẩn thận để nhằm làm rõ các nội dung được quy định tại Điều 9
Hiện nay, việc kiểm sát chặt chẽ các tài liệu xác minh điều kiện thi hành án giúp cho việc giải quyết vụ việc của Chấp hành viên khi phát sinh những vướng mắc nếu có dấu hiệu vi phạm Kiểm sát viên một cách kịp thời. Từ đó có thể báo cáo Lãnh đạo thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định pháp luật.
2.4. Trực tiếp kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án:
Trực tiếp kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án là một trong những nhiệm vụ quan trọng và sẽ được thực hiện theo chỉ tiêu hàng năm của đơn vị. Nhằm để đảm bảo hiệu quả, có chất lượng, căn cứ kết quả kiểm sát chặt chẽ các hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên sẽ phải phân loại hồ sơ chưa có điều kiện thi hành để trực tiếp đi xác minh điều kiện thi hành án trong thực tiễn. Việc phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án sẽ làm căn cứ để thực hiện công tác kiến nghị hoặc kháng nghị tùy theo mức độ vi phạm đã phát hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cần lưu ý trước khi tiến hành kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án cần chú ý xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ việc để nhằm đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh tràn lan, không hiệu quả.