Tất cả những tổn thương cơ bản của phần mềm và phần xương đều do các vật tẩy, sắc, nhọn gây ra. Mỗi một vật tác dụng trên cơ thể tạo nên tổn thương có đặc điểm riêng giúp cho giám định viên Y pháp có thể phán đoán được loại hung khí gây thương tích.
Mục lục bài viết
1. Vật gây thương tích:
1.1. Vật tày:
Vật tày là vật rất đa dạng trong các loại hung khí, tác động trên cơ thể bằng lực, va đập, chèn ép, xô đẩy hay cọ sát. Bản thân một vật tày, có thể gây nên nhiều hình thái tổn thương khác nhau. Những hình thái ấy có thể kết hợp với nhau trên một nạn nhân như: bầm tím, giập, nát, rạn xương, gãy xương… Những loại vật tày thường gặp như: nắm tay, khuỷu tay, gót chân, đầu, gậy gộc, hòn đá, mẩu gạch, bánh xe, mặt đường…
Khi giám định Y pháp thương tích do vật tày, cần tìm các dấu tích để xác định tính chất của vật tày, và xác định hướng tác động. Trường hợp nhiều thương tích, cần xác định thứ tự thương tích xảy ra và nêu rõ thương tích do nhiều vật tác động hay chỉ có một vật gây nên. Trên cơ sở những dấu tích trên nạn nhân phán đoán tương quan giữa nạn nhân và vật, mức độ thương tích gây tác hại đối với nạn nhân. Những thương tích do vật tày gây ra thường gặp:
Thương tích vật tày ở gáy (Phần mềm): Vết sây sát, Vết bầm máu, Tụ máu, Giập nát, Vỡ các tạng
Đặc điểm thương tích của vật tày đối với phần mềm:
Vết thương giập nát bầm máu.
Bờ vết thương nham nhở, tụ máu
Vết thương có ít hoặc nhiều cầu nối tổ chức.
Thương tích vật tày vào đầu (Phần cứng): Rạn xương, Lún xương, Gãy xương, Vỡ xương, Trật khớp xương
1.2. Vật sắc:
Vật sắc thông thường là một lưỡi hoặc hai lưỡi (dao díp, dao phay, dao găm, mã tấu, lưỡi lê), mảnh thuỷ tinh, v.v… tác động bằng cách: cắt, đâm, bổ, chém.v.v…thương tích hình thành do sự đè ấn và lướt đi của vật sắc trên bề mặt cơ thể.
Đặc điểm của thương tích do vật sắc:
– Vết thương dài và nông (dài là chủ yếu)
– Mép (bờ) vết thương phẳng gọn, không giập nát, không bầm máu.
– Hình đuôi nhọn (đuôi chuột) tận cùng nông trên biểu bì.
– Vết thương há miệng: vết thương càng sâu, càng dài, miệng há càng rộng.
– Vết thương còn đầy đủ tổ chức khi phục hồi dễ dàng.
Biến dạng của thương tích do vật sắc:
Hình ảnh của thương tích do vật sắc biến dạng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm của vật sắc, phương thức gây nên thương tích và đặc điểm khu vực giải phẫu của cơ thể.
Vết cắt: lưỡi dao chém nghiêng thương tích sẽ có mảnh hoặc vạt da. b. Đầu của vết thương có nhiều khía trên da (đuôi) chứng tỏ lưỡi dao đưa đi đưa lại trên một diện cắt.
Thương tích thẳng hay cong do nơi bị thương phẳng hay tròn hoặc do nạn nhân đổi tư thế.
Lưỡi hung khí cùn hoặc mẻ khiến vết thương có vết nham nhở, hoặc chỗ đứt gọn, tiếp chỗ bờ đứt nham nhở.
Tình huống xảy ra thương tích do vật sắc:
Do nạn nhân gây ra: thường thấy thương tích ở những vùng mà tay nạn nhân dễ dàng tạo ra được vết thương như cổ, ngực, bụng, cổ tay. Đặc điểm thương tích tự gây ra thường là nhiều vết thương song song và nông, hay gặp trong tự cắt cổ.
Do người khác gây ra, thương tích có thể thấy ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Các vết thương do nạn nhân tự bảo vệ còn gọi là vết thương chống đỡ thường thấy ở bàn tay, cánh tay (động tác chống đỡ, tránh né hung khí).
1.3. Thương tích do vật nhọn:
Vật nhọn thường có một đầu nhọn hay mũi nhọn. Vật nhọn có mũi nhọn, thân tròn và dài như dùi, kim, đinh, mũi lao, v.v… Mũi nhọn thân có cạnh như các loại dũa, dùi mở nút chai…
* Vật nhọn không lưỡi:
Đặc điểm của thương tích do vật nhọn:
Miệng hẹp hình bầu dục, hình khe, có độ sâu lớn, có rãnh xuyên, có lỗ vào và đôi khi có lỗ ra. Kích thước của vết thương trên da nhỏ hơn kích thước của hung khí do sự đàn hồi của da và tổ chức da ít bị hung khí cắt đứt. Xung quanh lỗ đâm có thể thấy vòng xước da nếu bề mặt của vật đâm ráp và thường ít tụ máu.
Biến dạng thương tích do vật nhọn:
– Hung khí nhọn tròn: vết đâm hình trám do lớp chun của thượng bì chi
– Hung khí nhọn có góc: vết thương có hình sao
Thương tích do vật nhọn có lưỡi sắc:
Hung khí nhọn sắc là hung khí vừa có mũi nhọn vừa có lưỡi sắc và có sống tày, như dao găm, dao bầu, kiếm, dao díp, dao mổ, mũi kéo, v.v… Thương tích gây nên khi lưỡi sắc vừa xuyên sâu vừa cắt đứt tổ chức.
Đặc điểm của thương tích do vật nhọn có lưỡi sắc:
– Mép bằng phẳng không tụ máu hoặc ít tụ máu.
– Đuôi nhọn không có phần cắt đứt biểu bì.
– Có hai góc nhọn (dao hai lưỡi)
– Có một góc tù (sống tày) và một góc nhọn (lưỡi).
– Có rãnh xuyên có lỗ vào và đôi khi có cả lỗ ra.
Biến dạng thương tích do vật nhọn có lưỡi sắc:
– Dao găm, kiếm, v.v… có lưỡi và sống thì có đuôi tù và đuôi nhọn. Đuôi tù nhiều hay ít do sống dao dày hay mỏng.
– Miệng lỗ vào chính còn có vết rách bổ sung do động tác rút dao gây ra.
– Chiều dài của lỗ vào tùy thuộc vào góc đâm của hung khí so với mặt da (đâm thẳng góc) kích thước của vết thương bằng kích thước của hung khí. Nếu đâm chéo góc thì kích thước của vết thương lớn hơn kích thước của hung khí (bản dao).
– Rãnh xuyên có thể nông hơn chiều dài của hung khí khi đâm chưa ngập dao. Ngược lại chiều dài của rãnh có thể dài hơn chiều của hung khí nếu đâm mạnh bằng dao có chắn. Trường hợp này có thể để lại dấu ấn của chắn dao.
2. Nguyên tắc giám định y pháp chấn thương:
2.1. Xác định thương tích do loại vật gây thương tích:
Bao giờ cũng phải rửa sạch vết thương để đánh giá phân loại tổn thương.
Mô tả kỹ bờ (miệng) vết thương.
Đo kích thước độ sâu của vết thương.
Mô tả hướng của thương tích
Xác định vị trí của thương tích.
Mô tả màu sắc của vết thương.
2.2. Phân biệt thương tích có trước khi chết hay sau khi chết:
Muốn phân biệt được thương tích trước khi chết hay sau khi chết được chính xác cần phải nắm vững những nguyên tắc sau:
– Phải rửa sạch vết thương. Nếu bầm máu ngấm vào tổ chức rửa không sạch là tổn thương xảy ra khi còn sống và ngược lại là xảy ra sau khi chết. Đây là một yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất để phân biệt tổn thương khi còn sống hay sau khi đã chết.
– Quan sát kỹ miệng của vết thương, nhất là vết thương do vật sắc. Vết thương do vật sắc ở người sống bao giờ cũng há miệng do các sợi chun dưới da sau khi bị cắt đứt co lại tạo nên hình ảnh này. Trái lại miệng vết thương gây ra sau khi chết bao giờ cũng gần như khép kín bởi các sợi chun đã mất tính chất đàn hồi.
– Nhuộm các sợi chun của tổ chức dưới da của vết thương bằng orcéine, nếu thương tích xảy ra khi còn sống, thấy các sợi chun co lại, nếu duỗi thẳng là hiện tượng sau khi chết.
– Xét nghiệm mô bệnh học vi thể, nếu thương tích xảy ra khi còn sống sẽ thấy nhiều hồng cầu, hoặc thiết huyết tố, nếu vết thương xảy ra sau chết thì ngược lại.
2.3. Phân biệt vết hoen tử thi với vết bầm máu:
Vết hoen tử thi màu đỏ tím bao giờ cũng tập trung ở những nơi trũng, thấp của cơ thể, lấy dao rạch nơi đó và rửa nếu là hoen sẽ hết màu tím và nếu vẫn còn tím là do bầm máu. Xét nghiệm mô bệnh học vi thể: nếu tổn thương bầm máu sẽ thấy nhiều hồng cầu; nếu vết hoen tử thi không bao giờ có hồng cầu.
2.4. Phân biệt vết côn trùng, súc vật ăn tử thi với thương tích do hung khí gây nên (Kiến, chuột, chó, mèo, v.v…):
– Vết kiến ăn: bờ mềm mại, nham nhở lăn tăn không bầm máu.
– Vết chuột, chó, mèo hoặc chim muông ăn:dấu tích này thường không có hình thù nhất định, song hay gặp ở tổ chức nông hay sâu. Quan sát kỹ có thể thấy các vết cào, xé, rỉa trên da. Bờ các dấu tích ấy không bao giờ có ngấm máu.
Chấn thương học Y pháp là một trong những nội dung quan trọng nhất hay gặp trong công tác giám định Y pháp. Thương tích của chấn thương học Y pháp rất đa dạng và phức tạp. Tuỳ mức độ hậu quả của thương tích để lại mà vấn đề có thể từ dân sự chuyển sang hình sự, từ đơn giản chuyển sang phức tạp. Bởi vậy giám định viên luôn nâng cao tình thần trách nhiệm, không ngừng rèn luyện nghiệp vụ tích lũy kinh nghiệm, giám định tỉ mỉ thận trọng, theo đúng nguyên tắc chung, mới có thể kết luận chính xác và có độ tin cậy cao.