Hiện nay, tỉ lệ vô sinh giữa các cặp vợ chồng ở Việt Nam cũng như trên thế giới gia tăng rất nhiều. Chính vì vậy, với mong muốn được có con, các cặp vợ chồng đã tìm đến phương pháp mang thai hộ. Vậy khi mang thai hộ thì quan hệ cha, mẹ, con được xác định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là mang thai hộ?
Mang thai hộ là thuật ngữ được dùng khi một người phụ nữ mang thai và sinh ra một em bé cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ khi cặp vợ chồng đó họ mong muốn có con nhưng không thể mang thai được. Quá trình này diễn ra bằng cách tạo ra phôi từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thông qua thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được chuyển vào trong tử cung của người phụ nữ mang thai hộ.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam có quy định về trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Như vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó sẽ cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Quá trình mang thai hộ phải được xác lập bằng văn bản và không vì mục đích thương mại. Ngoài ra, việc mang thai hộ chỉ áp dụng đối với các cặp vợ chồng mà đã áp dụng các biện pháp theo Luật định như là áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và các biện pháp khác mà vẫn không thể mang thai. Do đó, không phải trong trường hợp nào cũng được sử dụng phương pháp mang thai hộ.
2. Xác định quan hệ cha mẹ con trường hợp mang thai hộ:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được áp dụng khi mà cặp vợ chồng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp y tế mà vẫn không thể mang thai. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn của con người. Song, nó cũng có mặt “u tối”, đó là vấn đề xác định quan hệ cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ. Chính vì để tránh các rủi ro về tranh chấp xảy ra sau khi sinh con, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ đối với con, nên pháp luật nước ta đã ban hành ra quy định về việc xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ. Cụ thể:
Căn cứ theo quy định tại Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Theo đó, về mặt pháp lý, vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ trở thành cha mẹ của người con được sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo kể từ thời điểm con được sinh ra. Như vây, thời điểm con được sinh ra từ phương pháp mang thai hộ sẽ là cột mốc đánh dấu xác định quan hệ cha mẹ con.
Đối với người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ sẽ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Pháp luật cũng quy định người mang thai hộ và chồng của người mang thai hộ phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp người mang thai hộ sau khi sinh con thì không chịu giao con cho vợ chồng nhờ mang thai hộ vì các lý do khác nhau như là thương con, không muốn trả con mình mang nặng đẻ đau cho người khác nên đã dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Theo quy định tại khoản 5 Điều 98 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con cho mình.
Trái ngược với việc bảo vệ người nhờ mang thai hộ, pháp luật nước ta cũng ra quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhờ mang thai hộ.Theo đó, bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì bên nhờ mang thai hộ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Lúc này, bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, pháp luật đã ghi nhận con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ sẽ là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra, không phải con của người mang thai hộ. Theo đó, vợ, chồng nhờ mang thai hộ sẽ là cha, mẹ của con được sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, dù họ không trực tiếp sinh ra đứa trẻ. Đồng thời, vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng sẽ có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ con theo quy định của pháp luật.
3. Các điều kiện để mang thai hộ:
Như ta đã biết, phương pháp nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được áp dụng khi cặp vơ chồng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp y tế mà vẫn không thể sinh con. Do đó, pháp luật quy định cụ thể vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đáp ứng 03 điều kiện sau đây thì sẽ được áp dụng biện pháp nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Thứ nhất, vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Chỉ khi họ đã áp dụng tất cả các biện pháp, cách thức để người vợ có thai như là bơm tinh trùng, thụ tinh nhân tạo,… nhưng không mang lại kết quả thì khi đó mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mới được thực hiện và điều này phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Do vậy, điều kiện đầu tiên mà người vợ phải đảm bảo chính là khả năng mang thai và sinh con của mình. Vì thế, không phải trong trường hợp nào cũng được sử dụng phương pháp mang thai hộ.
Thứ hai, vợ chồng đang không có con chung. Tức là, nếu như cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ trước đây đã có con chung, hiện giờ họ mong muốn có thêm con nữa, nhưng do một vài yếu tố mà người vợ không thể sinh con thì sẽ không được sử dụng biện pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với trường hợp vợ chồng chưa có con chung nhưng muốn sinh con.
Thứ ba, cặp vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 15, Điều 16, khoản 1 Điều 17 của
– Về mặt y tế, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ; chi phí điều trị cao; khả năng đa thai; tỷ lệ thành công của kỹ thuật mang thai hộ có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi, khả năng em bé bị dị tật và có thể bị bỏ thai,…
– Về mặt pháp lý, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về việc xác định cha, mẹ, con; điều kiện mang thai hộ; thỏa thuận về mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình mang thai hộ và sau khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo,…
– Về mặt tâm lý, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; các hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con, thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi,…
Khi áp dụng phương pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cặp vợ chồng phải được tư vấn kỹ về 3 mặt sau đây: y tế, pháp lý, tâm lý. Để từ đó họ có thể hình dung được các vấn đề sẽ phát sinh trong trường hợp mang thai hộ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.