Xác định lỗi để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do va chạm giao thông. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tóm tắt câu hỏi:
Khi tôi đi xe đúng làn đường quy định, đi với tốc độ chậm tầm 30km/1h. Mang đầy đủ giấy tờ theo quy định của người tham gia giao thông. Đang đi thì bất ngờ một cậu bé tầm 6 tuổi chạy qua đường không nhìn và xảy ra va chạm khiến cậu bé té xuống đường, tôi cùng xe cũng té xuống, nhưng tôi thì không bị gì nghiêm trọng. Còn cậu bé thì bị chấn thương ở đầu. Giờ cậu bé vẫn điều trị ở bệnh viện, xe tôi thì bị giữ ở Công an. Cho hỏi trong trường hợp này ai đúng? Tôi có phải đền bù gì không? Mặc dù tôi cũng đến bệnh viện thăm hỏi và có đưa ít tiền gọi là tình cảm nhưng người ta không nhận. Mong luật sư tư vấn để tôi hiểu thêm?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Tiểu mục 1 Mục 3 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định về nguồn nguy hiểm cao độ như sau:
“1. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ
a) Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại, để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 BLDS xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.
b) Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó. Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật”.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xem là nguồn nguy hiểm cao độ, gồm: xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
– Tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:
“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại”.
Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Tại Điều 32 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về người đi bộ như sau:
“Điều 32. Người đi bộ
1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường”.
Theo đó, người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn. Nếu như Công an có kết luận bạn thuộc 1 trong 2 trường hợp này thì không phải bồi thường thiệt hại, đó là:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, có thể sẽ không phải bồi thường. Ở đây là do lỗi từ cháu bé và gia đình của cháu bé không trông nom bé cẩn thận: “cậu bé tầm 6 tuổi chạy qua đường”.
Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào điều tra và kết luận của Công an. Nếu trường hợp phải bồi thường thiệt hại, thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.