Có ba dạng công sức trong các vụ án dân sự: Công sức trong các vụ án hôn nhân và gia đình; Công sức trong các vụ án thừa kế và công sức trong các vụ án khác.
Xác định công sức đóng góp trong vụ án dân sự
Công sức là sức lực, là thời gian… mà con người bỏ ra để ra nuôi dưỡng người để lại di sản, để giữ gìn, bảo quản, duy trì tài sản nên tài sản không bị hư hỏng, mất mát hoặc để làm tăng giá trị tài sản bằng việc tôn tạo, tu bổ tài sản
Hiện nay, có thể phân loại có ba dạng công sức trong các vụ án dân sự: Công sức trong các vụ án hôn nhân và gia đình; Công sức trong các vụ án thừa kế và công sức trong các vụ án khác (đòi tài sản, đòi nhà đất cho thuê, đòi lại nhà đất cho ở nhờ…)
Thứ nhất, công sức trong các vụ án hôn nhân và gia đình:
Theo Khoản 2 Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
“Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập…”.
Khoản 1 Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình:
“Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu
Tòa án giải quyết”.
Như vậy, đối với việc chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật hay chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn thì đều có xem xét công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản. Về nguyên tắc thì trong thời gian chung sống, nếu không có chứng cứ gì khác thì về nguyên tắc tài sản phát triển đều được chia đôi (công việc nội trợ và công việc khác liên quan đến đời sống chung cũng được coi như lao động có thu nhập). Tuy nhiên khi phân chia cũng cần xem xét đến người đã tạo ra nguồn tiền để phát triển tài sản, từ đó phân chia cho phù hợp.
Thứ hai, Công sức trong các vụ án tranh chấp về thừa kế:
Đối với các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản thì trước khi phân chia tài sản thừa kế, Tòa án thường xem xét để trích cho người có công sức trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản (ngoài phần chi phí cho việc nuôi dưỡng), công sức bảo quản di sản, công sức giữ gìn tài sản… Điều 640 BLDS quy định về quyền của người quản lý di sản trong đó có quyền được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.
Thứ ba, Công sức trong các vụ án khác.
Đối với các vụ án đòi nhà đất cho ở nhờ thì nếu chấp nhận yêu cầu của chủ nhà thì ngoài việc chủ nhà phải thanh toán cho người ở nhờ tiền chi phí sửa sang nhà (nếu có việc sửa nhà và người cho ở nhờ không phản đối và hợp đồng cho ở nhờ không quy định) thì chủ nhà còn phải trả cho người ở nhờ khoản tiền công sức bảo quản, duy trì nhà ở (nếu có).
Trong các vụ án đòi tài sản khác thì nếu người quản lý tài sản có công sức thì chủ sở hữu của tài sản cũng phải có trách nhiệm thanh toán cho người đang quản lý tài sản.
>>> Luật sư
Thực tiễn hiện nay cho thấy, việc tính công sức giữ gìn, bảo quản, duy trì, cải tạo… tài sản dựa trên các tiêu chí sau đây:
Một là, trước hết phải xem xét về tầm quan trọng của việc quản lý tài sản đó và quan hệ liên quan đến việc quản lý tài sản. Nếu như người thừa kế (do trước đó sống chung với người để lại di sản), người ở nhờ quản lý tài sản… thì tầm quan trọng trong việc quản lý tài sản sẽ khác với trường hợp người khác quản lý giúp tài sản; Phải xem xét nếu không có công sức của người quản lý, giữ gìn tài sản… thì tài sản đó có tồn tại hay không (nếu không có người đang quản lý tài sản thì có người khác quản lý tài sản không? Nếu không có người quản lý tài sản thì tài sản đó có bị thu hồi hay không? Có bị giảm giá trị hay không?…).
Hai là: Giá trị của tài sản cũng là một tiêu chí để xem xét công sức cho người quản lý tài sản: Tài sản càng có giá trị cao thì trách nhiệm của người quản lý tài sản càng lớn. Công sức quản lý tài sản có giá trị cao phải cao hơn công sức quản lý tài sản có giá trị thấp (nếu cùng phải chi phí thời gian, sức lực…).
Ba là: Quản lý tài sản yêu cầu trình độ chuyên môn cao, chi phí thời gian nhiều… phải được xem xét công sức cao hơn quản lý tài sản không yêu cầu trình độ chuyên môn hoặc tốn ít thời gian…