Em vừa sinh con vào tháng 12 năm 2014 và muốn nhập hộ khẩu cho con theo hộ khẩu của em. Vậy cần làm những thủ tục như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và chồng tôi lấy nhau tháng 11 năm 2013. Đến tháng 12 năm 2014, chúng tôi có con, tôi muốn nhập hộ khẩu cho con tôi theo mẹ nhưng cơ quan có thẩm quyền ở Nam Định không chịu giải quyết với lý do: tôi đẻ cháu ở bệnh viện công an thành phố Nam Định. Sau đó vợ chồng tôi có mang 1 giấy chứng sinh, giấy đăng kí kết hôn và sổ hộ khẩu của mẹ, sổ hộ khẩu của bố mang lên cơ quan để làm giấy khai sinh và nhập tịch cho con theo mẹ.
Khi họ làm xong hết thủ tục thì họ lại bắt bẻ rằng sổ hộ khẩu của bố có vấn đề, lý do là tại sao sổ hộ khẩu của bố lại có hai quyển (1 quyển 2010 và 1 quyển 2012). Và họ giữ giấy tờ khai sinh rồi gạch tên cháu ở sổ hộ khẩu của mẹ. Họ bắt chúng tôi phải giao nộp hai sổ hộ khẩu của bố thì họ mới trả giấy tờ khai sinh và nhập khẩu cho con tôi. Nhưng hiện tại thì 1 sổ hộ khẩu 2012 đã mất và chúng tôi không biết phải làm thế nào. Theo tôi được biết, nếu muốn làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con theo hộ khẩu của mẹ thì chỉ cần hộ khẩu của mẹ, giấy đăng kí kết hôn, tờ khai thông tin của trẻ và giấy chứng sinh là đủ. Như vậy có đúng không thưa Luật sư? Tôi phải làm gì để nhập được hộ khẩu cho con tôi?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về vấn đề nhập hộ khẩu cho con chưa thành niên tại Luật cư trú năm 2006 và những văn bản hướng dẫn thi hành có quy định rất rõ. Điều 13 Luật Cư trú năm 2006 có quy định: “Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, trong trường hợp này con của chị có thể làm thủ tục nhập hộ khẩu theo mẹ.
Trên thực tế, tại những thành phố trực thuộc Trung ương đã có công văn hướng dẫn, yêu cầu việc làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con theo cha hoặc mẹ có hộ khẩu thường trú tại Thành phố thì phải có xác nhận của Công an địa phương rằng con chưa nhập hộ khẩu tại địa phương đó theo cha hoặc mẹ. Từ thông tin chị cung cấp, có thể thấy hộ khẩu thường trú của chị ở thành phố Nam Định, là đơn vị hành chính trực thuộc Tỉnh, không thuộc đối tượng yêu cầu phải xác nhận việc con đã nhập hộ khẩu theo cha hay chưa. Cho nên, việc nhập hộ khẩu cho con theo hộ khẩu của mẹ không cần xác nhận chưa nhập hộ khẩu theo hộ khẩu của cha.
Về hồ sơ để làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con theo mẹ được quy định gồm những giấy tờ sau:
– Giấy khai sinh của con: 01 bản sao chứng thực và 01 bản photo;
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ: 01 bản chính hoặc bản sao có công chứng;
– Sổ hộ khẩu của người mẹ: 01 bản chính;
– Tờ khai bổ sung nhân khẩu: 01 bản chính;
Chị cần lưu ý, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp giấy khai sinh của con chị phải làm thủ tục nhập hộ khẩu cho cháu bé. Quá thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể là “phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng” (Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về vấn đề cơ quan Công an yêu cầu chị xuất trình sổ hộ khẩu của người cha là không có căn cứ vì những lý do sau:
– Thứ nhất, thành phố Nam Định nơi chị đang có hộ khẩu thường trú không phải thành phố trực thuộc Trung ương cho nên không bắt buộc yêu cầu việc xác nhận hộ khẩu của người cha khi làm thủ tục nhập hộ khẩu;
– Thứ hai, việc đăng ký hộ khẩu theo cha hoặc mẹ chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu của cha hoặc mẹ, người mà muốn cho con nhập hộ khẩu.
Trong trường hợp này, việc làm của cơ quan công an là không có căn cứ pháp luật, cho nên chị có thể khiếu nại về hành vi hành chính của họ. Việc khiếu nại có thể làm dưới hai hình thức: khiếu nại bằng văn bản hoặc khiếu nại trực tiếp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có hành vi hành chính gây phiền hà, sách nhiễu. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành vi hành chính lần đầu theo quy định của pháp luật là Thủ trưởng cơ quan nhà nước nơi cán bộ có hành vi hành chính bị khiếu nại làm việc, ở đây là Trưởng công an xã, phường, thị trấn nơi chị đang làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Hỏi về thủ tục nhập khẩu theo anh trai
– Nhập hộ khẩu vào nhà người thân
– Nhập hộ khẩu cho con khi cha mẹ chưa kết hôn
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
Chuyên viên tư vấn: Tạ Thị Vân Anh.