Vùng biển quốc tế có vai trò quan trọng đối với các hoạt động của mọi quốc gia. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các nước, cần phải nắm rõ các quy chế về vùng biển quốc tế và các quyền cơ bản của các quốc gia trên vùng biển quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các vấn đề pháp lý về vùng biển quốc tế.
Mục lục bài viết
1. Vùng biển quốc tế là gì?
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ biển trên thế giới được chia thành hai bộ phận: thứ nhất là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven biển; thứ hai là các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Vùng biển quốc tế (hay còn gọi là biển cả) rất rộng, gồm toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 03 hải lý của các nước ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) thuộc quyền chủ quyền của các nước ven biển, nên phạm vi vùng biển quốc tế được thu hẹp, là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 còn quy định: “Biển cả” là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước, quần đảo của một quốc gia quần đảo.
Thống nhất với quy định đó, để cụ thể hóa với nước ta, trong Luật Biển Việt Nam quy định: “vùng biển quốc tế” là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Như vậy, thuật ngữ “Vùng biển quốc tế” (theo Luật biển Việt Nam) hay “Biển cả” (theo Công ước quốc tế) đều được thống nhất với nhau và chỉ được áp dụng đối với cột nước bên trên đáy biển.
Vùng biển quốc tế – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là International Waters.
Vùng biển quốc tế hay Hải phận quốc tế là một thuật ngữ được qui định trong Công ước biển quốc tế năm 1982. Ở vùng biển này, tất cả các quốc gia được hưởng những quyền tự do trên biển và được phép thực hiện những hoạt động hợp pháp theo qui định quốc tế.
Điều 3 Luật Biển Việt Nam về giải thích từ ngữ có quy định “Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”.
Tuy nhiên, trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không có khái niệm “vùng biển quốc tế” mà chỉ có khái niệm “Biển cả” được quy định chi tiết tại phần VII của Công ước. Điều 86 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định biển cả là “tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo”. Do vậy, thuật ngữ “vùng biển quốc tế” (theo Luật biển Việt Nam) hay “biển cả” (theo Công ước) chỉ là một và được áp dụng đối với cột nước bên trên đáy và lòng đất đáy đại dương.
2. Các quyền tự do trên vùng biển quốc tế:
*) Tự do trên vùng biển quốc tế
1. Vùng biển quốc tế được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên vùng biển quốc tế được thực hiện trong những điều kiện do các qui định của Công ước hay và những qui tắc khác của pháp luật quốc tế. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm:
a) Tự do hàng hải;
b) Tự do hàng không;
c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm;
d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép;
e) Tự do đánh bắt hải sản;
f) Tự do nghiên cứu khoa học.
2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên vùng biển quốc tế của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước biển quốc tế thừa nhận liên quân đến các hoạt động trong Vùng.
*) Quyền hàng hải
1. Mỗi quốc gia qui định các điều kiện cho phép tàu thuyền mang quốc tịch của nước mình, các điều kiện đăng kí các tàu thuyền trên lãnh thổ của mình và các điều kiện cần phải có để cho tàu thuyền được quyền treo cờ của nước mình.
Các tàu thuyền mang quốc tịch của quốc gia mà chúng được phép treo cờ. Cần phải có một mối quan hệ hợp pháp giữa quốc gia và tàu biển.
2. Quốc gia nào cho phép tàu thuyền treo cờ nước mình thì cấp cho tàu thuyền đó các tài liệu có liên quan.
*) Điều kiện pháp lí của tàu thuyền
1. Các tàu thuyền chỉ hoạt động dưới cờ của một quốc gia và, trừ những trường hợp ngoại lệ được qui định rõ ràng trong các hiệp ước quốc tế hay trong Công ước quốc tế, chỉ thuộc quyền tài phán của các quốc gia này khi ở vùng biển quốc tế.
Không được thay đổi cờ trong suốt hành trình. trừ trường hợp có sự chuyển giao thật sự quyền sở hữu hay có thay đổi đăng kí.
2. Một tàu thuyền hoạt động dưới cờ của nhiều quốc gia có thể được coi như là một tàu thuyền không có quốc tịch. (Theo Công ước biển quốc tế 1982)
3. Các nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc tế:
3.1. Nguyên tắc tự do biển cả:
Đây là một nguyên tắc cơ bản, hình thành từ lâu đời của Luật biển. Theo đó, biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển được khai thác, sử dụng và quản lý. Công ước Luật biển 1982 cũng tạo ra cơ sở pháp lý để các quốc gia được thự hiện quyền tự do biển cả trong nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, tự do xây dựng các đảo nhân tạo, tự do đánh bắt hải sản, tự do nghiên cứu khoa học.
Nguyên tắc tự do biển cả đóng vai trò là cơ sở pháp lý cho việc xác định và thiết lập chế độ pháp lý của các vùng biển khác nhau. Ở đây có thể thấy, ở các vùng biển khác một số quyền tự do tương tự quyền tự do biển cả cũng được thừa nhận như quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Ngoài ra, nguyên tắc này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh pháp lý đối với các hoạt đọng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở biển cả và đáy đại dương. Mặt khác, nguyên tắc tự do biển cả là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề về khai thác tài nguyên thiên hiên ở thềm lục địa, đáy biển và vùng đặc quyền kinh tế. Cuối cùng, nguyên tắc này cũng là cơ sở để thiết lập chế độ bay tự do trên biển cả và eo biển quốc tế theo quy chế của không phận quốc tế.
3.2. Nguyên tắc sử dụng hợp lý và bảo tồn tài nguyên biển:
Có thể nói, biển đã và đang đóng góp rất lớn vào đời sống của loài người. Tuy vậy, đứng trước sự khai thác, sử dụng biển quá mức và vô kế hoạch như hiện nay, tài nguyên biển đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Một số loài sinh vật sống đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và sẽ không bao giờ khôi phục lại được. Chính vì lẽ đó, nguyên tắc sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên biển thực sự có ý nghĩa trong luật biển, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Nguyên tắc này yêu cầu các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo sao cho hoạt động khai thác và sử dụng biển phải được tiến hành một cách hợp lý và kèm theo hoạt động bảo tồn.
Nguyên tắc này được gián tiếp ghi nhận tại điều 116 của Công ước 1982: “Tất cả các quốc gia đều có quyền cho phép công dân của mình đánh bắt hải sản ở biển cả, với điều kiện: Tuân thủ các nghĩa vụ được ghi nhận trong Công ước, tôn trọng các quyền và lợi ích của quốc gia ven biển…”. Một số quy định khác của Công ước 1982 cũng ghi nhận nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo tồn biển. Điều 117 ghi nhận nghĩa vụ của các quốc gia có các biện pháp bảo tồn tài nguyên sinh vật biển cả đối với các công dân của mình; Điều 118 ghi nhận sự hợp tác của các quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật trên biển; điều 119 ghi nhận việc bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển cả; và điều 120 ghi nhận việc bảo tồn và quản lý các loài có vú ở biển.
3.3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường biển:
Biển là nguồn cung cấp thức ăn, nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời biển cũng là môi trường sống của con người. Theo đà phát triển kinh biển, môi trường biển đang bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường biển là góp phần vảo việc bảo vệ môi trường sống và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Để làm được điều đó đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của từng quốc gia riêng lẻ mà còn là sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, nhiều thảo thuận đa phương đã được ghi nhận trong việc bảo vệ môi trường biển. Chẳng hạn Công ước 1954 về ngăn ngừa ô nhiễm dầu trên biển; Công ước London năm 1972 về ngăn ngừa ô nhiễm biển tù các chất thải do tàu và các chất thải khác; Công ước 1973 về ngăn ngừa ô nhiễm từ các chất thải do tàu; Công ước Bruc-xen năm 1969 về các biện pháp chống ô nhiễm do các vụ tai nạn trên biển cả…
Xác định bảo vệ môi trường biển cũng là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, Công ước luật biển 1982 cũng quy định về nguyên tắc này. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Để thực hiện việc bảo vệ môi trường biển, Công ước có nhiều quy định: xác định các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự nhiễm môi trường biển; hợp tác trên phạm vi thế giới và khu vực nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; trợ giúp kỷ thuật cho các nước đang phát triển trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; giám sát việc đánh cá và sinh thái biển.
Nguyên tắc bảo vệ môi trường biển cũng là một sự thể hiện mối quan hệ giữa sử dụng và bảo tồn trong khai thác môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Do vậy, việc hiểu và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này của các quốc gia có ý nghĩa to lớn trong việc bào tồn và duy trì một môi trường sống bền vững cho xã hội loài người.
3.4. Nguyên tắc sử dụng biển cả vì mục đích hoà bình:
Biển cả hay biển quốc tế là vùng biển chung của cộng đồng, có diện tích rộng lớn, có nguồn tài nguyên phong phú. Đây cũng là nơi mà hoạt động đánh bắt, khai thác của con người diễn ra khá hạn chế do nhiều nguyên nhân về mặt kỷ thuật, công nghệ. Tuy vậy, biển cả cũng chính là nơi dễ dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt tài nguyên vì theo nguyên tắc chung, biển cả không thuộc về ai cả. Chính vì vậy, biển cả cần phải được sử dụng đúng mục đích là vì hoà bình và lợi ích chung của nhân loại.
Một trong những nội dung của nguyên tắc này là các quốc gia không được sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực ở vùng biển cả. Điều này có nghĩa là cấm mọi hoạt động quân sự ở biển cả. Trên cơ sở nguyên tắc này, Hiệp định về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt khác ở đáy biển và biển cả được ký kết năm 1971. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn thì các quy định của Công ước 1982 về vấn đề này vẫn chưa cụ thể và chưa có một cơ chế để thực thi trên thực tế. Ví dụ trên thực tế nhiều cường quốc vẫn triển khai các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm quân sự để nhằm kiểm soát vùng biển cả.
Nguyên tắc giữ gìn di sản chung của nhân loại.
Đây là một nguyên tắc đặc thù của luật biển, đặc biệt áp dụng cho vùng đáy biển và vùng lòng đất dưới đáy biển-vùng biển được xem là di sản chung của nhân loại. Theo nguyên tắc chung, vùng biển này là của chung, không thuộc về quyền sở hữu của bất kỳ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào. Trong thực tế thì việc khai thác và sử dụng vùng biển di sản này vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều lý do. Vấn đề quan trọng nhất đó là với khả năng công nghệ hiện tại của cong người, họ chưa thể tìm hiểu và đi xuống những độ sâu của vùng biển di sản. Chính vì lẽ đó, hiện tại chúng ta vẫn chưa biết được chính xác ở vùng biển di sản tồn tại những loại tài nguyên gì, trữ lượng ra sao…
Kết luận: Vùng biển là di sản chung của toàn nhân loại, việc gìn giữ di sản chung của nhân loại có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và thực hiện chế độ pháp lý về khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển và vùng lòng đất dưới đáy biển, góp phần củng cố kinh tế và quan hệ quốc tế giữa các nước trên thế giới.