So sánh quy định về vốn điều lệ và vốn pháp định theo Luật doanh nghiệp mới nhất năm 2014. Những đặc điểm cơ bản về vốn điều lệ và vốn pháp định theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014.
Để được xác định là một doanh nghiệp tồn tại hợp pháp, có đủ tư cách pháp lý trên thị trường thì trong việc thành lập, những người chủ doanh nghiệp phải thỏa mãn những điều kiện do pháp luật quy định. Doanh nghiệp phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ về điều kiện vốn không chỉ khi gia nhập thị trường mà còn trong suốt quá trình tồn tại cho đến khi doanh nghiệp bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản. Qua bài viết này, đội ngũ Luật sư công ty Luật Dương Gia xin giới thiệu, trình bày quy định về vốn điều lệ và vốn pháp định theo Luật doanh nghiệp năm 2014, các điều kiện về tài sản – vốn khi thành lập doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Vốn điều lệ
Điểm 29 điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.”
Đặc điểm cơ bản của vốn điều lệ:
– Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.
– Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu/ tối đa khi thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty, nhưng nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực có sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện sổ sách kế toán, thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tổ chức, cá nhân được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp, trừ những trường hợp sau đây:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
– Là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như đối với doanh nghiệp;
– Là vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp;
– Là cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
2. Vốn pháp định
Theo điểm 7 điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: “Vốn pháp định là số vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”
Luật sư
Theo pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ việc xác định vốn pháp định với mục đích hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, đối với từng ngành nghề cụ thể vẫn quy định rõ về vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp. Đặc điểm của vốn pháp định :
– Vốn pháp định ở Việt Nam được xác định theo từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp;
– Việc quy định mức vốn vốn pháp định cụ thể ở Việt Nam chủ yếu được xác định thông qua các văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành;
– Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đang có xu hướng giảm bớt vai trò và ảnh hưởng của vốn pháp định đối với doanh nghiệp thì ở Việt Nam vốn pháp định lại đang có chiều hướng gia tăng trở lại trong nhiều ngành nghề.
3. Khái niệm, đặc điểm và dấu hiệu nhận biết về vốn điều lệ và vốn pháp định
Vốn điều lệ là vốn do những người tham gia doanh nghiệp đóng góp và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp. Vốn điều lệ là lượng vốn mà doanh nghiệp phải có và được phép sử dụng theo điều lệ. Doanh nghiệp phải đăng ký vốn điều lệ với cơ quan có thẩm quyền và phải công bố cho công chúng. Đối với những doanh nghiệp có quy định vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có tăng hoặc giảm vốn điều lệ nhưng trong mọi trường hợp không được tự ý giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn vốn pháp định. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đến mức tài sản của doanh nghiệp thấp hơn vốn điều lệ thì phần thua lỗ có thể được chuyển cho năm tài chính tiếp theo hoặc giảm vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì vốn pháp định đồng thời cũng là vốn điều lệ.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Chính phủ quy định mức vốn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp trong nước hoạt động trong từng lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế quốc dân. Ví dụ: Mức vốn pháp định cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh vận tải hàng không là 50 tỷ đồng; mức vốn pháp định cho hợp tác xã kinh doanh vận tải viễn dương, vận tải hàng không là 10 tỷ đồng…
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định được xác định không phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà dựa trên cơ sở tổng vốn đầu tư. Luật đầu tư năm 2014 tại Việt Nam quy định mức vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp vốn đầu đầu tư nước ngoài tổng vốn đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.
Việc quy định mức vốn pháp định nhằm đảm bảo tối thiểu về tài sản của doanh nghiệp với bạn hàng, nhất là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dễ gây rủi ro cho bạn hàng; hạn chế tình trạng thành lập tràn lan doanh nghiệp không có vốn hoạt động.
4. Những điều kiện về tài sản, mức độ vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp phải đăng ký tài sản đầu tư vào kinh doanh và gọi chung là vốn đăng ký kinh doanh. Khi doanh nghiệp đã được cấp đăng ký doanh nghiệp, số tài sản này được ghi trong điều lệ công ty nên gọi là vốn điều lệ đối với các công ty. Đối với doanh nghiệp tư nhân, không có điều lệ nên số vốn này gọi là vốn đầu tư. Đăng ký tài sản khi thành lập doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, bởi vì tài sản là cơ sở vật chất cho việc thực hiện những nghĩa vụ kinh tế của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Tài sản đầu tư vào doanh nghiệp phải là những thứ mà pháp luật quy định là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp mà người đầu tư thành lập doanh nghiệp. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.
Thông thường, tài sản chia thành bất động sản và động sản. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Tài sản cũng có thể chia thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình thường thấy là nhà cửa, máy móc, thiết bị, tiền Việt Nam và nước ngoài, các giấy tờ khác.
Luật đầu tư quy định vốn đầu tư là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Tài sản hợp pháp gồm:
– Cổ phần, cổ phiếu hoặc các giấy tờ có giá trị khác.
– Trái phiếu, khoản nợ và các hình thức vay nợ khác.
– Các quyền theo hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng chìa khóa trao tay,
– Các quyền đòi nợ và quyền có giá trị kinh tế theo hợp đồng.
– Công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại, nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ.
– Các quyền chuyển nhượng, bao gồm cả các quyền đối với thăm dò và khai thác tài nguyên. Bất động sản; quyền đối với bất động sản, bao gồm cả quyền cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp hoặc bảo lãnh.
– Các khoản lợi tức phát sinh từ hoạt động đầu tư, bao gồm cả lợi nhuận, lãi cổ phần, cổ tức, tiền bản quyền và các loại phí. Các tài sản và quyền có giá trị kinh tế khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mức độ tài sản đầu tư khi thành lập doanh nghiệp tùy thuộc vào điều kiện của những người chủ doanh nghiệp, trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với một số ngành nghề, trong một số lĩnh vực kinh doanh, Nhà nước quy định mức độ tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực đó (thường gọi là vốn pháp định). Lý do của việc quy định vốn pháp định chỉ giới hạn trong một số ngành nghề là ở chỗ, từ thực tiễn quản lý nhà nước, Nhà nước xác định những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực này cần phải có quy mô vốn nhất định để vừa đảm bảo sự cạnh tranh cần thiết và hiệu quả hoạt động cho mỗi doanh nghiệp, đồng thời có thể ngăn chặn tình trạng độc quyền. Vốn pháp định là một hình thức điều kiện kinh doanh. Mức vốn pháp định cụ thể được xác định, có thể thay đổi trong các thời kỳ khác nhau và phải được quy định trong các văn bản pháp luật nhất định. Ở những ngành nghề có quy định vốn pháp định, vốn đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp không được thấp hơn vốn pháp định.
Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty cổ phần, tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của vốn được xác nhận là vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định đã được xác nhận trong suốt quá trình hoạt động doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.