Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về di chúc chung của vợ chồng. Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành đã không còn thuật ngữ này nữa. Việc áp dụng và xử lý các di chúc chung hiện nay vẫn còn gây nhiều lúng túng cho nhiều người. Vậy vợ có quyền đổi nội dung di chúc chung sau khi chồng mất?
Mục lục bài viết
1. Vợ có quyền đổi nội dung di chúc chung sau khi chồng mất?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thêm nữa, Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác”. Di chúc là ý chí đơn phương của một cá nhân nên nó được hình thành duy nhất bằng ý chí đơn phương của người để lại thừa kế (tức là một bên chủ thể trong giao dịch dân sự về thừa kế). Qua việc lập di chúc thì cá nhân đó có ý định làm xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế. Theo đó họ sẽ quyết định chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người mà đã được họ xác định trong di chúc mà không cần biết người đó có đồng ý nhận di sản của mình hay không. Như vậy, nếu hợp đồng (chính giao dịch của hai bên) được hình thành bởi sự thỏa thuận ý chí của nhiều bên chủ thể thì di chúc chỉ là một sự quyết định đơn phương của người lập ra nó.
Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về di chúc chung của vợ, chồng, Điều 663 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”, nhưng Bộ luật Dân sự 2015 lại không có quy định này. Đối với những di chúc do vợ, chồng lập chung, trong đó mặc dù là thể hiện ý chí của cả hai người nhưng di chúc vẫn mang tính chất quyết định đơn phương bởi cho dù di chúc thể hiện ý chí của nhiều người nhưng những người đó vẫn chỉ là một bên ở trong giao dịch dân sự. Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc, Điều này quy định người lập di chúc hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ một lúc nào. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
Theo đó, vợ và chồng có quyền cùng nhau lập một di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất (tuy rằng trong Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về di chúc chung của vợ, chồng nhưng cũng không cấm vợ, chồng lập di chúc chung), trong di chúc sẽ thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả hai người. Tuy nhiên, một trong hai vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ bản di chúc mà mình đã lập, nhưng sẽ chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ đối với phần tài sản của mình, bởi pháp luật quy định cá nhân chỉ được để lại di chúc đối với tài sản riêng của mình, phần tài sản của mình trong khối tài sản chung với người khác.
Qua các phân tích trên, khẳng định được rằng vợ có quyền đổi nội dung di chúc chung sau khi chồng mất, nhưng sẽ chỉ được đổi đối với phần tài sản của mình trong tài sản chung của vợ chồng mà không có quyền thay đổi phần di chúc của người chồng đã mất. Nhưng sau khi người vợ đổi nội dung di chúc với phần tài sản của mình trong tài sản chung của vợ chồng thì khi đó:
– Trong trường hợp người vợ bổ sung nội dung di chúc với phần tài sản của mình trong tài sản chung của vợ chồng: phần di chúc đã lập trong di chúc chung của vợ chồng và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu như một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
– Trong trường hợp người vợ thay thế nội dung di chúc với phần tài sản của mình trong tài sản chung của vợ chồng: phần nội dung di chúc trước bị hủy bỏ.
2. Hiệu lực của di chúc chung sau khi chồng mất:
Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, mà thời điểm mở thừa kế chính là thời điểm người có tài sản chết. Chính vì thế, vợ chồng để lại di chúc chung thì sau khi người chồng mất, di chúc chung của vợ chồng sẽ chỉ có hiệu lực một phần đối với phần tài sản của người chồng, còn nội dung di chúc đối với phần tài sản của người vợ chưa có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hạn chế phân chia di sản, Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc là theo các thoả thuận của tất cả những người thừa kế thì di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Theo đó, mặc dù di chúc chung của vợ chồng sau khi chồng mất có hiệu lực một phần đối với tài sản của người chồng, nhưng khi lập di chúc thì người chồng có thể thể hiện luôn thời gian phân chia tài sản của mình sau khi mình mất (có thể thời gian để phân chia di sản của người chồng là sau khi người vợ mất,..) chứ không nhất định phải phân chia di sản của người chồng ngay sau khi phần di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng bắt đầu có hiệu lực.
3. Trường hợp phần di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng không có hiệu lực:
Căn cứ Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì những trường hợp phần di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng không có hiệu lực bao gồm:
– Phần di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người chồng. Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người chồng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân này không có hiệu lực.
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp có nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc của người chồng trong di chúc chung của vợ chồng mà một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc của người chồng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến các cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
– Phần di chúc của chồng trong di chúc chung của vợ chồng không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Nếu như di sản của người chồng để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc của người chồng về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Lưu ý rằng, khi di chúc của chồng trong di chúc chung của vợ chồng có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
4. Vợ chồng có được tự lập di chúc chung mà không cho ai biết:
Như đã phân tích ở mục trên, vợ và chồng có quyền cùng nhau lập một di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất (tuy rằng trong Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về di chúc chung của vợ, chồng nhưng cũng không cấm vợ, chồng lập di chúc chung). Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của di chúc bao gồm có di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Vợ chồng lập di chúc chung thì phải lập di chúc chung bằng văn bản. Di chúc bằng văn bản bao gồm có:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có công chứng;
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Theo đó, vợ chồng hoàn toàn được tự lập di chúc chung mà không cho ai biết bằng hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Khi vợ chồng tự lập di chúc chung mà không cho ai biết bằng hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tự viết và ký vào bản di chúc. Nội dung của di chúc chung của hai vợ chồng tự lập mà không cho ai biết bằng hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải đảm bảo có các nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm lập di chúc;
– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản.
– Các nội dung khác mà hai vợ chồng đã thống nhất với nhau.
Khi vợ chồng tự lập di chúc chung mà không cho ai biết bằng hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc chung của vợ chồng tự lập không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc chung của vợ chồng gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của vợ chồng.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015.