Viện kiểm sát khởi tố sai thì bồi thường như thế nào? Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi Viện kiểm sát khởi tố sai.
Viện kiểm sát khởi tố sai thì bồi thường như thế nào? Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi Viện kiểm sát khởi tố sai.
Tóm tắt câu hỏi:
Viện kiểm sát vi phạm Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 sẽ bị xử phạt như thế nào? Viện kiểm sát khởi tố không thành công thì bồi thường cho bị can như thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003;
– Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009;
– Nghị quyết số 04/ 2004/NQ-HĐTP,
– Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC;
– Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT.
2. Luật sư tư vấn:
Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định như sau:
Điều 150. Khám nghiệm hiện trường
1. Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
2. Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
3. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc Kiểm sát viên có mặt tại hiện trường để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường là bắt buộc trong mọi trường hợp. Thắc mắc của bạn là Viện kiểm sát vi phạm Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự được hiểu như sau: Viện kiểm sát đã không cử Kiểm sát viên đến hiện trường để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc khám nghiệm mà thực hiện hoạt động kiểm sát trên biên bản khám nghiệm và các hồ sơ, tài liệu có liên quan do Cơ quan điều tra cung cấp. Hoặc cử nhưng lại cử cán bộ không có chức danh pháp lý (Kiểm sát viên) đi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, và như vậy là vi phạm tố tụng có thể khiến hoạt động khám nghiệm nên để xảy ra nhiều thiếu sót, gây ảnh hưởng đến hoạt động điều tra phá án sau này.
Về vấn đề xử lý vi phạm như sau:
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
“c. Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”
Tại tiểu mục 4.4 Mục 4 phần I Nghị quyết số 04/ 2004/NQ-HĐTP và cụ thể hơn ở Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC:
“Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án”
Do vậy, nếu việc vi phạm của Viện kiểm sát là không tham gia khám nghiệm hiện trường và việc không tham gia làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hoặc xâm phạm lợi ích của người tham gia tố tụng thì Thẩm phán sẽ ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nếu chỉ phát hiện việc điều tra có vi phạm thủ tục tố tụng, chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì Thẩm phán không phải ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Căn cứ theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 thì việc bồi thường được quy định như sau:
Điều 6. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường
1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
2. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây:
a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này;
b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.
3. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:
a) Do lỗi của người bị thiệt hại;
b) Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc;
c) Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Điều 7. Nguyên tắc giải quyết bồi thường
Việc giải quyết bồi thường phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Kịp thời, công khai, đúng pháp luật;
2. Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ;
3. Được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT có quy đinh:
2. Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
b) Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam, sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội và họ thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước , thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố bị can;
c) Trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nhưng người đã bị khởi tố bị can không bị tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra, truy tố; sau khi chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử thì Tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp tạm giam; sau đó Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bị cáo không phạm tội hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng sau đó bị can được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội và người đó thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước , thì Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo bạn thắc mắc khi Viện kiểm sát khởi tố không thành công thì bồi thường cho bị can như thế nào? Việc bồi thường thiệt hại khi có hành vi sai phạm của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. Khi Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố mà người đó lại được xác định là không phạm tội theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng thì Viện kiểm sát sẽ phải trực tiếp bồi thường.